ESG - Cánh cửa lớn dẫn doanh nghiệp vào tương lai bền vững

Nhiều lãnh đạo nhìn vào ESG như một cánh cửa dẫn đến tương lai bền vững của công ty. 

ESG “phả hơi nóng” vào doanh nghiệp Việt

Giữa tháng 12, khi Top Doanh nghiệp Bền vững tại Việt Nam (CSI 2021) được công bố, ông T. Thanh, chủ một doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ lĩnh vực sản xuất giày tại TP.HCM lần đầu tìm hiểu về Bộ chỉ số CSI. Sau hơn 15 năm hoạt động, ông hiểu đã đến lúc cần thay đổi. Nhưng ông cũng tường tận rằng quản lý ESG với những tiêu chí quản trị như nước và chất thải, biến đổi khí hậu, công bằng và hòa nhập…  là một chặng đường dài mà còn rất lâu DN ông mới vươn tới. “Gần đây, đối tác đã buộc chúng tôi hoạt động gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Chẳng hạn, nếu công ty xả thải gây ô nhiễm môi trường sẽ bị cắt đơn hàng. Ở mức độ vĩ mô, cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị thượng đỉnh Khí hậu COP26 “phả hơi nóng” cho thấy nhỏ như doanh nghiệp chúng tôi cũng phải vào cuộc nếu muốn tồn tại”, ông nói.

“Bước vào năm thứ 6 triển khai, bộ chỉ số năm nay mong muốn có tính lan tỏa tới các DN bao gồm cả các DN nhỏ chứ không đơn thuần là các DN lớn. Chúng tôi nhận thấy chưa bao giờ DN quan tâm đến phát triển bền vững và có chương trình nghị sự rõ ràng về phát triển bền vững như hiện nay”, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch điều hành VBCSD đánh giá.

Nếu như phía DN nhỏ dần có sự thay đổi trong nhận thức thì các DN lớn ngày càng chuyên nghiệp và có sự đầu tư sâu hơn. Ở góc độ nhà quản lý của một DN nước ngoài có quy mô lớn, bà Đỗ Hoàng Anh – Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại, British American Tobacco (BAT) khu vực Đông Á, cho biết trong những năm gần đây, phát triển bền vững của BAT trên toàn cầu được thực hiện theo mô hình ESG gồm 3 nền tảng Môi trường, Xã hội & Quản trị doanh nghiệp. Và BAT tại Việt Nam cũng theo mô hình ESG này. Đây là những trụ cột mấu chốt của mỗi tổ chức nếu muốn hướng đến sự bền vững.

BAT tài trợ hơn 26 triệu cây giống, góp phần phủ xanh đất trồng và đồi trọc trên diện tích hơn 11.300ha tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Gia Lai, Tây Ninh, Đắk Lắk và Đồng Nai.

“Các DN hiểu được định hướng về phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam để từ đó có các hoạt động, chương trình gắn với mục tiêu chung của Chính phủ, từ đó đóng góp vào Chương trình nghị sự quốc gia vì sự phát triển bền vững 2030 theo 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc”, bà nhận định.

Tại Việt Nam, nhiều công ty đang thực hành ESG tốt bằng nhiều cách, đó có thể là cách DN ứng phó với biến đổi khí hậu, kỹ năng quản lý vấn đề nguồn nước, chính sách sức khỏe và an toàn để bảo vệ người lao động… dần hình thành nên nền tảng vững chắc.

Những trụ cột hướng đến sự bền vững

Sau nhiều năm thực hành ESG, bà Đỗ Hoàng Anh cho biết, đầu tư vào các hoạt động phát triển bền vững của BAT tăng đều mỗi năm. “Điều này minh chứng cụ thể nhất cho cam kết về phát triển bền vững của BAT. Chúng tôi có một chiến lược phát triển bền vững cho BAT tại Việt Nam, trước mắt từ nay đến hết 2025 và xa hơn thế nữa. Chiến lược này không thay đổi cho dù tình hình COVID-19 có thế nào”, bà khẳng định.

Ngoài ra, BAT cũng tập trung giúp nâng cao sinh kế cho người nông dân, phát triển nông nghiệp 4.0 một cách bền vững tại các địa phương, có các hoạt động hỗ trợ trực tiếp và thiết thực cho cộng đồng nơi BAT hoạt động. “Ngoài đối tượng thụ hưởng là cộng đồng, chúng tôi cũng tập trung xây dựng môi trường làm việc an toàn, năng động, gắn kết, tạo điều kiện cho nhân viên phát triển cả về sự nghiệp cũng như có điều kiện đóng góp cho cộng đồng thông qua nhiều hoạt động và chính sách khác nhau”, bà Hoàng Anh cho biết.

Trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, chúng tôi đảm bảo mọi hoạt động của mình luôn được thực hiện một cách hợp pháp, chính trực, theo các tiêu chuẩn về đạo đức kinh doanh cao nhất của tập đoàn cũng như các quy định của nước sở tại. Điều này qua nhiều năm thực hiện đã trở thành một văn hóa đặc trưng của BAT mà nhân viên tự hào. 

Chính sự cam kết và kiên trì này mà ngay trong những ngày tháng cao điểm chống dịch, BAT Việt Nam được vinh danh tại lễ trao giải thưởng Doanh nghiệp trách nhiệm Châu Á 2021- Asia Responsible Enterprise Award (AREA) 2021, vào ngày 2-9 cho 2 hạng mục: Đầu tư vào con người (Investment in People) và quản trị doanh nghiệp (Corporate Governance). “Đây là động lực rất lớn cho chúng tôi và rõ ràng không dễ gì có được nếu như chúng tôi không kiên trì với các hoạt động qua nhiều năm.”, bà Hoàng Anh chia sẻ.

Bà Đỗ Hoàng Anh – Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại, BAT khu vực Đông Á, đại diện BAT nhận bằng khen “Top 100 Doanh nghiệp Phát triển Bền vững Nhất Việt Nam 2021”

Bà cũng nhận định rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, DN nào xây dựng được cho mình mô hình quản trị theo hướng phát triển bền vững đều sẽ có khả năng chống chịu cao hơn, kiên cường hơn, thậm chí còn tìm ra cơ hội để bứt phá, vượt lên trong những năm tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm