EVNGENCO 3 cho biết, được sự cho phép của UBND tỉnh Kon Tum và Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum bắt đầu tích nước hồ chứa từ ngày 26-2. Việc thực hiện tích nước vào thời gian này đã được đơn vị tư vấn và các cơ quan chức năng thống nhất lựa chọn nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình và vùng hạ du.
Ngay trong những ngày đầu tích nước, Công ty VSH đã tiến hành kiểm tra, đánh giá tình hình của hồ đập và vùng hạ du. Qua kiểm tra thực tế và sự phản ảnh của các hộ dân ở phía hạ du, lưu lượng nước trên sông giảm, không đủ để lấy nước tưới tiêu. Nguyên nhân chính là do thời tiết khô hạn, lưu lượng nước về thấp, chủ yếu nước bổ sung là nước ngầm/ thấm và Nhà máy Thủy điện Đắk Ne (thủy điện bậc thang sau của Thủy điện Thượng Kon Tum) không vận hành theo đúng quy trình, không thường xuyên duy trì dòng xả, chủ yếu tích nước để phát điện vào các giờ cao điểm, khung giờ phát điện lệch với khung giờ sử dụng nước của người dân địa phương nên người dân không kịp bơm nước để tưới cho cây trồng.
Theo đề xuất của chính quyền địa phương, giải pháp tạm thời để có nước tưới là dùng bao cát đắp thành đập tạm ngăn dòng ở nhánh sông, nâng dòng chảy vào thủy lợi Đắk Snghé. Mặc dù không phải là đơn vị trực tiếp gây ảnh hưởng đến việc canh tác của người dân nhưng Công ty VSH đã hỗ trợ kinh phí cho chính quyền Thôn 3, xã Tân Lập và cùng các hộ dân trong xã triển khai thực hiện giải pháp này, bước đầu đã cứu hạn được gần 70 ha lúa.
Nhà máy Thủy điện Đắk Ne xả nước phía hạ lưu theo yêu cầu
Theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND và Sở Công Thương tỉnh Kon Tum tại cuộc họp ngày 24-3: “Trong thời gian thủy điện Thượng Kon Tum tích nước đến cao trình cống xả môi trường, Nhà máy Thủy điện Đắk Ne thực hiện tính toán, điều chỉnh phương án phát điện cho phù hợp, đảm bảo nguồn nước tưới cho khu vực đất canh tác của nhân dân xã Tân Lập và xã Đắk Tơ Lung phía hạ du đập Đắk Ne.
Cụ thể: thời gian chạy máy trong ngày từ 6 giờ đến 11 giờ 30 và từ 15 giờ đến 20 giờ; thời gian tích nước từ 20 giờ đến 6 giờ ngày hôm sau để cung cấp nước phục vụ sản xuất của nhân dân vùng hạ du”.
Đối với Công ty VSH: “Công ty phối hợp với UBND huyện Kon Rẫy rà soát, xác định giá trị thiệt hại, có phương án hỗ trợ kịp thời cho các hộ dân bị ảnh hưởng”.
Thực tế vào sáng 25-3, Nhà máy Thủy điện Đắk Ne đã thực hiện xả nước theo yêu cầu và việc xả nước đang được chính quyền địa phương giám sát.
Đại diện Công ty VSH khảo sát để nâng cấp đập tạm lấy nước thủy lợi.
Ngày 25-3, Công ty VSH đã cử đại diện phối hợp với UBND huyện Kon Rẫy, phòng Khuyến nông huyện Kon Rẫy, chính quyền xã đánh giá mức độ ảnh hưởng của hoa màu, lúa nước, cây trồng do thiếu nguồn nước tưới để có phương án hỗ trợ kịp thời cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong thời gian tới.
Đồng thời, để đập tạm ngăn dòng được vững chắc hơn, đảm bảo phương án cấp nước lâu dài cho người dân địa phương, Công ty VSH đã phối hợp với các đơn vị tiến hành khảo sát, lên phương án làm kiên cố lại đập tạm (thay các bao cát của đê bao bằng các khối bê tông đúc và khoan neo).
Theo tiến độ của dự án Thủy điện Thượng Kon Tum, nếu mực nước hồ đạt được cao trình miệng cống dẫn dòng thì tiến hành xả dòng chảy môi trường xuống hạ du theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Sê San đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Khi đó các nhà máy thủy điện sẽ đảm bảo xả đủ lưu lượng nước cho vùng hạ du.