EVNGENCO1: Nhiều thủy điện làm tốt nhiệm vụ cắt lũ, giảm lũ

Ngày 11-11, tại hồ Đơn Dương thuộc công trình thủy điện Đa Nhim đã xuất hiện cơn lũ số 1 năm 2021. Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (ĐHĐ) đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) tỉnh Lâm Đồng trong suốt quá trình vận hành xả lũ, đảm bảo an toàn công trình và hạ du.

Cửa xả hồ Đơn Dương thuộc thủy điện Đa Nhim.

Trong thời gian này, trên lưu vực hồ Đơn Dương có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 50 đến 80 mm, có nơi trên 100 mm, lúc 12 giờ ngày 11-11, khi mực nước hồ đang ở cao trình 1041,695 m, đến 19 giờ cùng ngày, cơn lũ đạt đỉnh với lưu lượng 442m3/s. Công ty ĐHĐ phối hợp chặt chẽ với BCH PCTT&TKCN tỉnh Lâm Đồng vận hành hồ Đơn Dương tuân thủ theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai, tiến hành xả điều tiết qua đập tràn Đơn Dương với lưu lượng lớn nhất 350m3/s, bằng 79,20% đỉnh lũ. Đến ngày 12-11, sau khi cắt được đỉnh lũ, Công ty ĐHĐ đã giảm dần lưu lượng xả qua đập Đơn Dương.

Trong quá trình vận hành điều tiết hồ chứa, Công ty ĐHĐ thường xuyên, kịp thời thông báo đến BCH PCTT&TKCN tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan liên quan để phối hợp, chỉ đạo. Các thông báo tăng, giảm lưu lượng xả cũng được phát trên kênh truyền thanh, truyền hình của Trung tâm Văn hóa thông tin huyện Đơn Dương để cung cấp thông tin kịp thời đến chính quyền và nhân dân các huyện Đơn Dương và Đức Trọng, nhằm chủ động trong công tác đảm bảo an toàn cho hạ du.

Trước đó, vào tháng 10, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 7 (Lionrock) và không khí lạnh tăng cường, hồ thủy điện Hàm Thuận thuộc ĐHĐ đã xuất hiện cơn lũ số 1 vào ngày 11-10.

Cụ thể, từ giữa tháng 9 đến những ngày đầu tháng 10-2021, mưa xuất hiện diện rộng trên lưu vực hồ Hàm Thuận. Số liệu mưa trung bình đo được tại 14 trạm thủy văn trên lưu vực hồ Hàm Thuận do Công ty ĐHĐ quản lý trong ngày 11-10 đạt 86,9 mm, có trạm đạt 145,2 mm.

Hồ thủy điện Hàm Thuận xuất hiện cơn lũ số 1 vào lúc 11 giờ ngày 11-10 với lưu lượng về hồ 402,27 m3/s, đỉnh lũ đạt 725,43 m3/s vào lúc 14 giờ  cùng ngày. Vào lúc 07 giờ, ngày 13-10, mực nước hồ Hàm Thuận đạt cao trình 602,023 m, lưu lượng về hồ 320 m3/s, lưu lượng chạy máy trung bình ngày khoảng 60 m3/s. Căn cứ dự báo về tình hình thủy văn hồ Hàm Thuận, lưu lượng về hồ sẽ tiếp tục duy trì ở mức từ 320 m3/s đến 360 m3/s, cao hơn lượng chạy máy, Công ty ĐHĐ nhận định mực nước hồ Hàm Thuận sẽ tiếp tục tăng và đạt cao trình mực nước trước lũ (604 – 605 m) trong khoảng thời gian từ ngày 15, 16-10.

Hơn 20 năm kể từ ngày đưa vào vận hành, hồ Hàm Thuận luôn thực hiện tốt nhiệm vụ cắt giảm lũ trên sông La Ngà và cấp nước cho tỉnh Bình Thuận.

Nhằm đảm bảo mực nước hồ và mực nước hạ du tại Trạm Tà Pao nằm trong giới hạn cho phép theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai, ngày 13-10, Công ty ĐHĐ đã thông báo đến BCH PCTT&TKCN) tỉnh Bình Thuận, các huyện hàm Thuận Bắc, Đức Linh, Tánh Linh và các cơ quan liên quan trước khi tiến hành xả điều tiết qua đập tràn hồ Hàm Thuận với lưu lượng xả từ 25 m3/s đến 100 m3/s từ 9 giờ ngày 15-10.

Đến 16 giờ 16-10, lưu lượng nước về hồ Hàm Thuận đạt 250,39 m3/s và có xu hướng tiếp tục giảm, kết thúc cơn lũ số 1.

Bằng sự phối hợp nhịp nhàng với Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) và BCH PCTT&TKCN địa phương, Công ty ĐHĐ đã vận hành hồ thủy điện Hàm Thuận an toàn, cắt toàn bộ cơ lũ số 1, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du thuộc các huyện Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh và Đức Linh, tỉnh Bình Thuận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm