Cán bộ, công nhân viên Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã và đang để lại biết bao dấu ấn trên chặng đường phát triển của ngành kinh tế công nghiệp điện lực cũng như không ngừng đổi mới, cải tiến chất lượng dịch vụ khách hàng.
Người EVNNPC đã làm nên một Tổng công ty dẫn đầu ngành về lưới điện nông thôn.
EVNNPC ra đời (6-10-1969) khi đất nước vẫn còn bị chia cắt. Từ những ngày đầu với quy mô rất nhỏ, công ty đã phát triển mạnh mẽ và trở thành một tổng công ty hàng đầu của ngành điện lực Việt Nam.
Trong suốt chặng đường hình thành và phát triển, EVNNPC gắn với hình ảnh người thợ điện anh dũng, kiên cường, bất khuất trong chiến đấu, thông minh, bản lĩnh, không ngừng đổi mới sáng tạo trong xây dựng và hiện đại hóa lưới điện.
Anh dũng trong chiến đấu
Khoảng thời gian đế quốc Mỹ tấn công mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, nhiều nhà máy điện đã trở thành những trọng điểm bắn phá của máy bay Mỹ.
Nhà máy điện Hàm Rồng được khánh thành vào tháng 4-1964 với công suất 3.000kW đã liên tục bị bắn phá trong suốt ba năm sau đó. Tuy nhiên, cùng với nhân dân Thanh Hóa, những cán bộ ngành điện vẫn bám trụ kiên cường, liên tục phục hồi, duy trì sản xuất để đưa điện lên lưới, cung cấp cho sản xuất và tiêu dùng. Tương tự, nhiều nhà máy điện khác như Nhà máy điện Cửa Cấm, Nhà máy điện Việt Trì, Nhà máy điện Yên Phụ, Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình cũng là những nơi chịu gánh chịu sự tấn công nặng nề của máy bay Mỹ.
Những người cán bộ, công nhân Nhà máy điện Cửa Cấm, nhà máy điện than đầu tiên của Đông Dương tại Hải Phòng vẫn không thể quên được những tháng năm gian khổ đó, sự tàn phá nặng nề đến mức phải tạm ngừng hoạt động. Họ thường xuyên luyện tập các phương án xử lí khi máy bay địch đánh phá với tinh thần "ngồi trên bệ phóng không nòng", quyết tâm bảo vệ dòng điện phục vụ cho đời sống và sản xuất chiến đấu của thành phố.
Ông Lê Nhân Vĩnh, nguyên Giám đốc Công ty Điện lực 1, chia sẻ về hồi ức: "Với phương châm 'Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu', lực lượng tự vệ Nhà máy điện Việt Trì đã xác định, bằng mọi giá phải bám lò, bám máy, giặc đến là đánh, giặc đi lại sản xuất, quyết không để mất điện.” Khó khăn là vậy nhưng tinh thần sống và chiến đấu của những người cán bộ ngành điện ở những nơi đây vẫn luôn mãnh liệt với quyết tâm “giữ điện như giữ máu”, họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ và sản xuất của nhà máy.
Điện được ví như dòng máu không những mang lại ánh sáng mà còn mang lại sức sống cho những máy móc, nhà máy sản xuất.
EVNNPC áp dụng công nghệ vào quản lý vận hành hệ thống điện.
Là tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế nông nghiệp sau khi đất nước thống nhất, Công ty Điện lực Thái Bình là một điểm sáng về điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới. Thời gian đó, những “chiến sĩ” ngành điện Thái Bình đã không quản ngày đêm ngừng nghỉ, quên ăn quên ngủ để xây dựng những trạm điện, lưới điện, kịp thời đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh công tác điện khí hóa nông nghiệp, đảm bảo tăng trưởng sản lượng sản xuất lúc bấy giờ. Đó là cơ sở để Thái Bình tiếp tục hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới thời kỳ sau.
Thắp sáng những miền quê
Anh dũng trong thời chiến, bản lĩnh, đồng lòng đổi mới, sáng tạo trong thời bình, “người EVNNPC” đã làm nên một Tổng công ty trở thành đơn vị dẫn đầu toàn ngành về công tác điện nông thôn. Đến nay, 100% số xã thuộc địa bàn quản lý của EVNNPC được cấp điện, số hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 98,79%.
Công tác đưa điện về những vùng sâu, vùng xa, biên giới phía Bắc là cực kỳ khó khăn và gian khổ bởi địa hình vô cùng hiểm trở, cơ sở vật chất tại những nơi đó nghèo nàn và lạc hậu. Tuy nhiên, điều đó lại càng tiếp thêm dũng khí cho người làm điện ở EVNNPC quyết tâm đưa lưới điện quốc gia phủ sóng toàn bộ những bản làng xa xôi.
Sơn La là một trong những tỉnh vùng núi phía Bắc có địa hình phức tạp và có nhiều khó khăn trong công tác khai phát lưới điện. Cùng với định hướng của Thủ tướng và Bộ Công Thương, ngành điện tỉnh Sơn La đã hoàn thành nhiều dự án lớn cung cấp điện lớn với tổng giá trị đầu tư hàng trăm tỉ đồng mang điện đến cho hàng chục nghìn hộ dân. Còn rất nhiều vùng quê, bản làng như Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng, Lào Cai... đã được những cán bộ EVNNPC đưa điện lưới đến.
Qua từng chặng đường lịch sử, hình ảnh của những người làm điện tại EVNNPC đã hiện hữu ở khắp mọi nơi từ đồng bằng đến vùng sâu, vùng xa, lên rừng hay xuống biển, ra đảo ra hay nơi tiền tuyến. Điện lực miền Bắc đang tiếp nối những chặng đường của ông cha, của truyền thống anh cả đỏ để tiếp tục thực hiện sứ mệnh cao cả, của niềm tin thắp sáng mà triệu triệu khách hàng không ngừng tin tưởng và gửi gắm.