Giá cả leo thang, dân mong được giảm thuế cá nhân

Tại dự thảo nghị quyết về việc miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu tác động của dịch COVID-19, Bộ Tài chính không đề xuất giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho người làm công ăn lương.

Lý giải về điều này, đại diện Bộ Tài chính cho rằng nếu giảm thuế TNCN từ tiền lương, tiền công trong sáu tháng cuối năm nay thì đối tượng được hưởng chủ yếu sẽ rơi vào nhóm có thu nhập cao (những người có thu nhập phải chịu thuế TNCN - PV), không đúng với mục tiêu hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch.

Tuy nhiên, nhiều người dân, doanh nghiệp và chuyên gia đều cho rằng lập luận như trên là thiếu thuyết phục và kiến nghị Bộ Tài chính đề xuất bổ sung giảm thuế TNCN cho người làm công ăn lương trong thời điểm thu nhập thực tế giảm, giá cả tiêu dùng tăng cao do dịch bệnh kéo dài.

20 triệu đồng năm nay khác mọi năm

Anh Đức Dũng (quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết thu nhập của anh khoảng 20 triệu đồng/tháng, không thuộc đối tượng được giảm trừ người phụ thuộc nên mức chịu thuế của anh cao. Sau khi trừ thu nhập không chịu thuế 11 triệu đồng thì mức thu nhập tính thuế của anh khoảng 9 triệu đồng/tháng. Như vậy, với mức thuế 10%, anh phải nộp thuế TNCN mỗi tháng khoảng 900.000 đồng, tính ra một năm phải đóng hơn 10 triệu đồng.

Năm nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội kéo dài khiến vợ anh là giáo viên mầm non phải nghỉ việc mấy tháng trời, không có thu nhập, chi tiêu phải dựa vào thu nhập chính của anh. Trong khi mỗi tháng tốn tiền thuê nhà, điện, nước… khoảng hơn 5 triệu đồng.

“Đó là chưa kể giá cả thực phẩm thiết yếu như rau, cá, thịt… cho bữa ăn hằng ngày đều tăng gấp đôi, gấp ba lần so với trước đây. Nếu năm ngoái, mỗi tuần tôi cầm 2 triệu đồng đi siêu thị thì giờ phải mang 3-4 triệu đồng mới mua đủ thứ mình cần. Chưa kể dịch bệnh nên phải chi thêm rất nhiều khoản như nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang, kính chống giọt bắn…” - anh Dũng nói.

Vì vậy, anh Dũng cho rằng cần có chính sách hỗ trợ người dân như giảm thuế TNCN. “Chi phí cho tiêu dùng đã tăng quá nhanh, ngược lại thu nhập của người dân lại giảm nên rất cần được Nhà nước chia sẻ, hỗ trợ trong lúc này. Thực tế gia đình tôi có bốn người gồm vợ chồng và hai đứa con mà chỉ còn một người có thu nhập 20 triệu đồng/tháng vẫn phải nộp thuế là rất chật vật” - anh Dũng thở dài.

Anh Nguyễn Tuấn Anh (quận 7, TP.HCM) cũng đề nghị Nhà nước giảm thuế TNCN cho người dân, những người làm công ăn lương, bởi các loại thuế khác được giảm thì thuế TNCN cũng phải giảm mới công bằng. “Mới đây, tôi đọc báo thấy Bộ Tài chính lập luận rằng nếu giảm thuế TNCN từ tiền lương, tiền công thì đối tượng được hưởng chủ yếu sẽ rơi vào nhóm có thu nhập cao. Tôi không đồng ý với quan điểm này.

Không thể nói rằng giảm thuế TNCN sẽ rơi vào nhóm có thu nhập cao vì dịch bệnh diễn biến phức tạp, giãn cách kéo dài, giá cả thực phẩm tăng cao ảnh hưởng đến tất cả mọi người và nhiều người thu nhập cao cũng… khóc vì mất việc” - anh Tuấn Anh nhấn mạnh.

Anh Tuấn Anh dẫn chứng: Công ty đóng cửa nên vợ mất việc, anh trở thành lao động chính trong gia đình. Tuy nhiên, một mình anh không gánh nổi gia đình năm miệng ăn với hai vợ chồng, hai con nhỏ và một mẹ già. Chưa kể chi phí chi tiêu, sinh hoạt hằng ngày gần đây tăng cao hơn 40% so với thời điểm trước dịch. “Như vậy, nếu xét chỉ một mình tôi thì không cần giảm thuế TNCN, song nếu xét toàn gia đình đang gặp khó khăn, thu nhập giảm thì giảm là hợp lý” - anh Tuấn Anh nói.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Xoa, chuyên gia thuế, phân tích: Doanh nghiệp, hộ kinh doanh hiện nay đều có chính sách miễn giảm, chậm nộp thuế đến hết năm 2021 thì người làm công ăn lương cũng cần được hỗ trợ. Năm 2020 và 2021, doanh nghiệp được giảm thuế thu nhập 30% thì cũng nên xem xét giảm 30% thuế TNCN.

“Người dân đang gặp khó khăn, trong khi chi phí bỏ ra tăng do giá cả hàng hóa và một số dịch vụ leo thang nên 20 triệu đồng năm nay không thể có giá trị như những năm trước được” - ông Xoa ví von.

Nhiều ý kiến đề xuất cần giảm thuế thu nhập cá nhân cho người dân trong lúc khó khăn. Trong ảnh: Người dân đang làm thủ tục nộp thuế. Ảnh: QH 

Ưu tiên giảm thuế cho người thu nhập dưới 20 triệu đồng

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, đề xuất nên giảm thuế TNCN theo tỉ lệ tương ứng với từng mức thu nhập. Cụ thể, nên ưu tiên giảm thuế cho người có mức thu nhập từ 20 triệu đồng/tháng trở xuống, vì mức thu nhập này thực tế không cao so với chi tiêu trong bối cảnh giá cả tăng cao như hiện nay.

Với người có thu nhập dưới 20 triệu đồng/tháng, TS Hiển góp ý cần giảm thuế khoảng 30% như mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Còn với mức thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng cũng chia ra từng mức thu nhập và tỉ lệ giảm ít hơn.

“Giảm thuế TNCN cũng cần hợp lý. Những người có thu nhập trung bình, trung bình khá cần được giảm thuế, còn người có thu nhập cao, người giàu thì vẫn phải thu theo quy định. Khi đó, ngân sách mới có tiền để hỗ trợ lại cho những người lao động thất nghiệp, người khó khăn trong mùa dịch” - ông Hiển nói.

Chuyên gia thuế Trần Xoa thì cho rằng ngoài việc giảm thuế cũng cần tính đến sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNCN vì không còn phù hợp với tình hình thực tế. Nếu vẫn áp cách thu thuế hiện nay như trước khi xảy ra đại dịch là không hợp lý, không công bằng.

“Cần nâng mức thu nhập không phải nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng hiện nay lên 20 triệu đồng mới phù hợp với đời sống kinh tế hiện nay. Đồng thời nâng mức giảm trừ cho người phụ thuộc lên 8 triệu đồng/người/tháng” - ông Xoa đề xuất.

Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng để công bằng giữa các đối tượng chịu thuế, Bộ Tài chính nên đề xuất bổ sung các chính sách hỗ trợ đối tượng làm công ăn lương hiện nay. Cụ thể, đối tượng này cần được miễn, giảm thuế TNCN những tháng cuối năm nay để giúp họ vượt qua khó khăn.

“Không ít gia đình năm, sáu người đang rơi vào cảnh lao động chính thất nghiệp do nhà máy đóng cửa, chỉ còn một vài người đi làm nhưng phải gánh chi phí sinh hoạt cho cả gia đình. Như vậy, không giảm thuế cho người còn đi làm là không ổn” - một chuyên gia nhấn mạnh.

Nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân tăng

Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, sáu tháng đầu năm nay, thuế TNCN thu được ước đạt 73.027 tỉ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước. Mức thu này đạt cao nhất kể từ khi Luật Thuế TNCN đi vào thực thi (tăng dần qua từng năm, sáu tháng năm 2020 cao nhất chỉ đạt hơn 63.700 tỉ đồng).

Tổng cục Thuế lý giải: Thuế TNCN tăng chủ yếu từ chuyển nhượng chứng khoán tăng gấp 2,91 lần, từ đầu tư vốn của cá nhân tăng 78,2% và từ chuyển nhượng bất động sản tăng 68,8%. Tuy nhiên, thuế thu từ những người làm công ăn lương vẫn chiếm tỉ lệ cao nhất. Trên thực tế, hàng triệu người lao động đều đang đóng đủ số thuế hằng tháng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm