Hãng Reuters đưa tin giá dầu đã giảm vào ngày 19-6, nguyên nhân chủ yếu do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng không ổn định mặc dù các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang nỗ lực cắt giảm xuất khẩu dầu.
Dầu thô Brent giảm 48 cent, tương đương 0,6%, xuống còn 76,13 USD/thùng còn dầu thô WTI của Mỹ giảm 49 cent, tương đương 0,7%, xuống còn 71,29 USD/thùng.
Nhân viên đang bơm xăng cho khách hàng tại một trạm xăng ở Barcelona (Tây Ban Nha). Ảnh: REUTERS |
Sự phục hồi sau COVID-19 của nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại nên một số ngân hàng lớn đã giảm mức dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội năm 2023 của nước này.
Trong khi đó, sản lượng lọc dầu của Trung Quốc trong tháng 5 cũng đã tăng cao.
Để sự phục hồi kinh tế, Trung Quốc đã giảm các khoản vay chính sách trung hạn. Bắc Kinh dự kiến sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay cơ bản trong ngày 20-6.
Ông Jorge Leon - phó chủ tịch cấp cao của công ty Rystad Energy - nhận định khả năng phục hồi nền kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc vào hiệu suất kinh tế của Trung Quốc trong nửa cuối năm nay và hiệu quả của các biện pháp kích thích của nước này.
Ngoài ra, theo ông, các giải pháp tránh suy thoái kinh tế của Mỹ và châu Âu trong bối cảnh lãi suất tăng cũng góp phần vào quá trình phục hồi.
Hiện các công ty năng lượng của Mỹ đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu và khí tự nhiên đang hoạt động để khắc phục tình trạng giá dầu giảm.
OPEC và các đối tác (OPEC+) cũng đang nỗ lực cắt giảm sản lượng xuất khẩu. Saudi Arabia đã cam kết cắt giảm sản lượng xuất khẩu dầu trong cuộc họp của OPEC+ vào tháng 6 này. Tuy nhiên, xuất khẩu dầu thô và sản lượng dầu của Iran lại đạt mức cao kỷ lục trong năm 2023.