Ngày 24-5, chúng tôi trở lại Đông Giang (huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) để thăm gia đình “người rừng” Srín, gia đình mà hai vợ chồng cùng 7 đứa con chỉ vì lời nguyền đã bỏ vào rừng sống tách biệt hơn 14 năm.
Tới nơi, ai cũng ngạc nhiên và bất ngờ khi những đứa con của Srín hòa nhập cộng đồng rất nhanh, học tập rất tốt. Thêm một điều cũng bất ngờ không kém là từ khi trở về đến nay, gia đình Srín đã liên tiếp đón thêm thành viên mới.
Khi chúng tôi có mặt, Srín cùng chồng là Sim Mên đang dựng chuồng heo sau nhà. Srín vẫn thế, thấp đậm, đen giòn, đôi mắt lúng liếng và bụng đã chửa vượt mặt.
Srín cho biết sau khi trở về làng nhận nhà mới vài tháng, Srín sinh đứa con thứ 8 là một bé trai, nhưng chỉ sau bốn ngày đứa bé sơ sinh trúng gió độc qua đời. Đứa con đang mang trong bụng là đứa thứ 9, khoảng 3 tháng nữa thì sinh.
Srín và các con hồi còn ở rừng.
Theo Srín, lần sinh đứa con thứ 8 do đã về làng nên nhờ bà mụ đỡ đẻ chứ không tự sinh con như những lúc ở trong rừng. Được biết khoảng mấy tháng khi trở về làng, Srín đưa hết bầy bò 14 con từ rừng về. “Không biết bò bị gì mà cả 10 con lăn đùng ra chết, hết vốn luôn nên phải đưa 4 con còn lại vào rừng”, Srín kể.
Theo những người dân địa phương, nhiều khả năng bầy bò của Srín sống ở nơi hoang dã đã quen nên khi về làng ăn cỏ dưới tán rừng cao su là nơi người dân thường sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu nên ngộ độc.
Srín kể 5 đứa con của mình đều học lớp 1 và đứa nào cũng thích học cái chữ, thích múa hát, thích xem tivi và tất cả đều được giáo viên quan tâm. “Hai con trai lớn của mình không chịu đến trường, chỉ thích vào rừng chăn bò thôi”, Srín tâm sự.
Cũng theo Srín, hiện nhà cô vẫn phải câu nhờ điện, nước và mong muốn được hỗ trợ tiền bắt điện, nước vào nhà để sinh hoạt thuận lợi hơn.
Căn chòi trong rừng của nhà Srín trước đây
Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, trước đó, chỉ vì một lời nguyền mà Srín - một phụ nữ K'ho đã cùng chồng bỏ vào rừng phát rẫy trồng điều, sống gần như tách biệt với mọi người. Cả gia đình chín con người hằng ngày phải ngủ trong căn chòi dựng bằng liếp tre trống trước hở sau. Căn chòi nhỏ chỉ trải đủ ba chiếc chiếu và giăng sẵn ba cái mùng rách nát. Chén bát úp đầy xung quanh chỗ ngủ.
Mỗi tháng một lần, người chồng là Sim Mên băng rừng xuống làng mua gạo, thịt, cá khô, muối chở về. Mỗi tháng gia đình chỉ ăn được một bữa tươi, phần còn lại đều được Srín bỏ vào lu sành, dấp muối hột để bảo quản và muối ăn dần.
Theo lời Srín kể, hơn 14 năm trước khi mới sinh đứa con trai đầu, do mâu thuẫn với người chị ruột và bị chị đuổi ra khỏi nhà, Srín liền gùi con, gọi chồng lên rừng với lời nguyền sẽ không bao giờ trở lại làng lần nữa. Chọn khu rừng đầu nguồn suối Dinh đủ xa buôn làng làm nơi trú ngụ, cả hai chặt tre làm chòi, phát rừng trồng điều để chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh viễn ở đây. Rồi Srín có bầu đứa con trai thứ hai, khi vợ sắp sinh, Sim Mên chạy về làng năn nỉ bà mụ vườn lên rừng giúp vợ, mãi mới được bà mụ nhận lời do đường rừng quá xa.
“Đến đứa thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy thì một mình mình tự đẻ thôi, mà toàn đẻ vào ban đêm tối trời” - Srín nói. Mỗi lần trở dạ chuẩn bị sinh, Srín liền cho đứa nhỏ nhất bú một bụng no nê, sau đó nấu nồi nước sôi để sẵn. Người đàn bà này lầm lũi lấy một cật tre cất trong chòi rồi ôm chiếc mền cũ tìm một gốc cây rừng, một mình sinh con. Đứa bé vừa sinh ra, người mẹ gắng gượng dùng cật tre cắt rốn rồi quấn mền ôm con vào cạnh chòi, pha nước tắm cho con. Sau đó vào chòi cho đứa trẻ sơ sinh bú một bên, bầu sữa còn lại dành cho đứa lớn hơn. Sáng hôm sau khi cả nhà thức dậy mới biết gia đình vừa có thêm thành viên mới.
Sau khi Pháp Luật TP.HCM có bài viết về gia đình “người rừng” Srín, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo UBND huyện Hàm Thuận Bắc vận động đưa gia đình Srín về làng, cấp đất, xây nhà và tạo điều kiện cho các con Srín được đến trường. Báo Pháp Luật TP.HCM đã trao 50 bộ quần áo mới và 25,5 triệu đồng giúp gia đình Srín; Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận 10 triệu đồng và Hội Doanh nhân trẻ Bình Thuận 30 triệu đồng để giúp xây nhà cho Srín trên mảnh đất 800 m2 mà xã cấp cho.
Thế nhưng khi đoàn hỗ trợ có mặt tại Đông Giang thì cả gia đình Srín bất ngờ dắt díu nhau bỏ trốn vào rừng sâu, không chịu về làng. Trước tình huống này, số tiền trên vẫn được trao cho UBND xã để xây nhà cho gia đình Srín.
Sau hơn chín tháng kiên quyết ở lại rừng, nhiều lần vận động, tháng 3-2017 gia đình Srín đã quyết định trở về làng, chấm dứt hơn 14 năm để con cái thất học, sống thiếu thốn, biệt lập với bên ngoài và vào ở trong căn nhà mới xây xong. Hôm “tân gia”, qua vận động, chúng tôi còn mang tivi, bếp gas, quạt máy, nồi cơm điện…, những thứ mà những đứa con Srín chưa hề biết hay thấy dù ở trong mơ và trao thêm một số tiền nhỏ để chuẩn bị lo sách vở cho các con Srín đến trường.
Hôm trao nhà mới và vật dụng sinh hoạt khi gia đình "người rừng" về làng
Srín và 3 đứa con nhỏ hiện nay
(PLO)- Sau khi gia đình Srín đã vào rừng, lực lượng công an xã đã quần nát các cánh rừng lân cận nhưng vẫn không tìm thấy.