Giá xăng lại tăng sốc: Sốt ruột chờ giảm thuế, phí

Kể từ chiều qua (11-3), giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh lên tới gần 3.000 đồng đến gần 4.000 đồng/lít/kg, tùy loại. Đây là lần thứ bảy giá xăng dầu tăng liên tiếp với mức rất cao.

Liên tục lập kỷ lục mới

Chiều 11-3, liên bộ Tài chính - Công Thương công bố điều hành giá xăng dầu theo chu kỳ mới. Theo đó, giá bán lẻ xăng dầu tăng rất mạnh: Xăng sinh học E5 tăng 2.910 đồng/lít, lên mức 28.980 đồng/lít; xăng A95 tăng 2.990 đồng/lít, lên mức 29.820 đồng/lít.

Không chỉ giá xăng mà giá các loại dầu cũng tăng rất cao. Trong đó, giá dầu diesel tăng 3.950 đồng/lít, dầu hỏa tăng 3.940 đồng/lít, còn dầu mazut tăng 2.520 đồng/kg. Sau khi điều chỉnh tăng, giá dầu diesel lên mức 25.260 đồng/lít, dầu hỏa 23.910 đồng/lít và dầu mazut 20.980 đồng/kg.

Xăng A95 sau kỳ điều chỉnh ngày 11-3 lên mức gần 30.000 đồng/lít, cao nhất từ trước tới nay.  Ảnh: PHI HÙNG

Khách đông, một số cây xăng hết hàng

Trước kỳ điều chỉnh tăng giá chiều qua (11-3), người dân tại nhiều địa phương đổ xô đi mua xăng. Thậm chí có người mang cả xô, can, thùng phuy… đi mua xăng dầu khiến cho lượng tiêu thụ tăng đột biến. Do lượng khách tăng quá cao nên không ít cây xăng ở Hà Nội, TP.HCM treo biển hết hàng.

Nhiều người cho hay trước đây chỉ đổ khoảng 60.000 đồng là đầy bình xăng xe máy nhưng nay phải chi từ 100.000 đến 110.000 đồng vẫn chưa đầy bình. Hàng hóa, xăng, gas… đều tăng, trong khi thu nhập không tăng nên cuộc sống khó khăn. PHI HÙNG

Liên bộ Tài chính - Công Thương cho hay lần điều chỉnh này không thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng dầu để kìm giá. Đồng thời tiếp tục thực hiện chi Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 ở mức 750 đồng/lít, xăng A95 là 1.000 đồng/lít, dầu diesel là 1.500 đồng/lít...

Như vậy, thị trường xăng dầu trải qua lần thứ bảy tăng liên tiếp. Tính chung, xăng A95 đã tăng thêm hơn 7.000 đồng/lít, xăng E5 tăng gần 7.000 đồng/lít so với cuối tháng 12 năm ngoái. Tương tự, một lít dầu diesel cũng tăng hơn 7.900 đồng, dầu hỏa tăng gần 7.600 đồng trong cùng thời gian.

Theo Bộ Công Thương, lý do khiến giá xăng dầu trong nước tăng mạnh là do giá dầu thô thế giới liên tục tăng cao, đặc biệt là ảnh hưởng xung đột giữa Nga và Ukraine khiến nguồn cung xăng dầu bị ảnh hưởng. Đơn cử, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 1-3 và kỳ điều hành ngày 11-3 là 132,251 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5, tương đương tăng 18,77% so với kỳ trước.

Giảm thuế, phí: Vẫn đang chờ

Tuy liên tục tăng cao nhưng nhiều đơn vị kinh doanh xăng dầu cho biết giá xăng dầu trong nước vẫn chưa bám sát đà tăng của giá thế giới nên họ vẫn lỗ. Bên cạnh đó, nguồn cung xăng dầu vẫn chưa ổn định nên một số cây xăng gần đây treo bảng hết hàng hoặc xin nghỉ bán.

Đáng lo hơn là người dân ngoài việc phải chi trả nhiều hơn khi mua xăng dầu còn đối mặt với giá hàng hóa leo thang trong bối cảnh thu nhập giảm sút. Khảo sát thực tế cho thấy hàng loạt mặt hàng thực phẩm tươi sống, sữa, dầu ăn… đã tăng khá mạnh trước sức ép của giá xăng, nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển lên cao.

Theo Tổng cục Thống kê, bình quân hai tháng đầu năm nay, giá xăng dầu trong nước tăng 45,3% so với cùng kỳ năm trước, làm chỉ số giá tiêu dùng chung tăng 1,68%.

Vì vậy, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng cần giảm ngay các loại thuế, phí để hạ nhiệt giá xăng cũng như hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Trước mắt cần giảm ngay thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt. Bởi hiện nay, trong mỗi lít xăng dầu thì thuế, phí các loại chiếm đến hơn 42%. Đây là mức cao.

Bộ Công Thương nhận định hiện nay, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Đặc biệt, xung đột giữa Nga và Ukraine dẫn đến các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đối với Nga gây nên thiếu hụt nguồn cung dầu thô, xăng dầu thành phẩm. Trong khi đó, nhu cầu xăng dầu đang tăng mạnh khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế.

Trong bối cảnh trên, Bộ Công Thương đã yêu cầu 10 công ty đầu mối tăng nhập khẩu 2,4 triệu m3 xăng dầu trong quý II-2022. Đồng thời, bộ kiến nghị các cơ quan liên quan hỗ trợ các công ty đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Chẳng hạn, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện về thủ tục và tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để kịp thời nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức được Bộ Công Thương phân giao bổ sung.

Bộ Tài chính cũng vừa đề xuất giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít. Đồng thời, bộ này đề nghị nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-4 đến hết ngày 31-12. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất.

Điều chỉnh quy định để bắt kịp thực tế

Liên quan đến điều hành xăng dầu, mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu vụ chuyên môn thuộc bộ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất sửa đổi một số nghị định, trong đó có Nghị định 83/2014 và Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu. Mục đích nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

Trước đó, một số công ty kinh doanh xăng dầu đã đề xuất cần rút ngắn thời hạn điều hành; tách biệt xăng dầu theo hướng tiếp tục coi dầu là tư liệu sản xuất quan trọng và cần điều tiết, quản lý, bình ổn giá để hạn chế tác động tới nền kinh tế. Còn xăng thì coi là hàng hóa thông thường, thả lỏng cho vận hành cơ chế thị trường, sát với biến động giá trên thị trường thế giới...

Các công ty kinh doanh xăng dầu cũng cho hay thời gian gần đây lỗ nặng do giá dầu thế giới tăng liên tục, trong khi việc điều hành giá theo quy định hiện hành không đồng nhịp. Khó khăn kéo dài đã dẫn tới hiện tượng khá nhiều cây xăng, nhất là ở một số tỉnh, thành phía Nam dừng bán hàng, bất chấp khả năng bị chế tài thu hồi giấy phép kinh doanh ngành hàng này.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết trước đây, theo Nghị định 83/2014, giá xăng dầu được điều chỉnh 15 ngày/lần và hiện nay thực hiện ba lần/tháng (10 ngày/lần) theo Nghị định 95/2021 của Chính phủ.

“Trong Nghị định 95 có quy định trường hợp giá xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân thì liên bộ Công Thương - Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định có điều chỉnh hay không và điều chỉnh ở mức độ nào” - ông Hải nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm