Ngày 9-3 vừa qua, đúng như cam kết VietinBank với vai trò là ngân hàng đầu mối thu xếp nguồn vốn và đã chủ động thực hiện giải ngân món vay đầu tiên thanh toán cho bốn gói thầu của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Đây là điều kiện quan trọng để chủ đầu tư và các nhà thầu yên tâm triển khai thi công theo đúng tiến độ, đáp ứng mong mỏi của người dân đồng bằng sông Cửu Long.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang được thi công.
Ngoài ra, đại diện VietinBank Chi nhánh 4 cho biết VietinBank và các ngân hàng đồng tài trợ cam kết sẵn sàng đáp ứng đầy đủ vốn, kịp thời theo đúng hợp đồng đã ký với doanh nghiệp dự án. Dự kiến trong tháng 3 này sẽ giải ngân khoảng 2.000 tỉ đồng vào dự án thông qua các gói thầu đủ điều kiện.
Trước đó, vào ngày 16-12-2019 hợp đồng tín dụng cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được các bên ký kết. Trong đó bốn nguồn vốn tín dụng do liên doanh các ngân hàng gồm: VietinBank, BIDV, Agribank, VPBank cam kết hạn mức cho vay đối với dự án 6.686 tỉ đồng.
Kể từ khi hợp đồng tín dụng được ký kết, VietinBank với vai trò là ngân hàng đầu mối thu xếp vốn cho dự án đã chủ động, tích cực phối hợp với Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (doanh nghiệp dự án) thực hiện tháo gỡ hơn 17 điều kiện giải ngân tiên quyết. Các điều kiện này được định trong hợp đồng tín dụng nhằm mục tiêu giải ngân đưa nguồn vốn vào các hạng mục công trình dự án kịp thời, đảm bảo hoàn thành mục tiêu thông xe kỹ thuật trong năm 2020 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Các nhà thầu nỗ lực thi công kịp tiến độ.
Ông Trần Văn Thế, Phó Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết việc thu xếp vốn tín dụng ngay từ đầu đã hết sức khó khăn, doanh nghiệp dự án cùng với ngân hàng nghiêm túc đàm phán và ký kết hợp đồng tín dụng và tháo gỡ hơn 17 điều kiện giải ngân tiên quyết quy định tại hợp đồng tín dụng.
“VietinBank đã làm việc với công ty với mục tiêu thông tuyến trong năm 2020, hoàn thành dự án trong năm 2021, trên tinh thần không lùi bước, hợp tác thúc đẩy, kiểm soát tích cực, chủ động phối hợp, thấu hiểu, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ý kiến của Ngân hàng Nhà nước và đáp ứng kỳ vọng người dân ĐBSCL” - ông Thế cho biết.
Theo báo cáo của ban điều hành dự án này, hiện các nhà thầu đã thi công đạt hơn 35% tổng khối lượng công trình.
Các công nhân đang thi công trên công trường đường cao tốc.
Mới đây, vào ngày 8-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp đến kiểm tra tiến độ thi công cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Thủ tướng hoan nghênh sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư, nhà thầu và các ngân hàng, đặc biệt là VietinBank đã nỗ lực trong việc tháo gỡ vướng mắc về nguồn vốn nhằm đảm bảo mốc thông tuyến năm 2020 và khánh thành trong năm 2021.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với chiều dài 51,1 km, tổng vốn đầu tư 12.668 tỉ đồng. Trong đó vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ 2.186 tỉ đồng (đã giải ngân); vốn chủ sở hữu và huy động khác 3.400 tỉ đồng (nhà đầu tư đã góp vào dự án 2.500 tỉ đồng, 900 tỉ đồng đang góp theo tiến độ); vốn tín dụng cho dự án 6.668 tỉ đồng (được giải ngân món vay đầu tiên). Dự án sẽ thông tuyến vào cuối năm 2020, khi đó ô tô dưới 16 chỗ ngồi và xe máy sẽ được lưu thông miễn phí dịp tết. Đến năm 2021 sẽ khánh thành đưa dự án vào khai thác.
Đây là tuyến nằm trong quy hoạch đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. Tuyến đường có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực ĐBSCL với TP.HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Việc sớm hoàn thành tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và kết nối đồng bộ các tuyến cao tốc từ TP.HCM đến Cần Thơ sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đến các tỉnh vùng ĐBSCL, đồng thời giải quyết tình trạng quá tải trên QL1 hiện tại.