Giám đốc Công an TP.HCM nói về lý do phải quyết liệt xử lý nồng độ cồn

(PLO)- Theo Giám đốc Công an TP.HCM, thời gian qua đơn vị đã tăng cường xử lý nồng độ cồn và mục đích sâu xa của điều này là nhằm kéo giảm các loại tội phạm khác như gây rối trật tự, cố ý gây thương tích, giết người...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 17-5, Công an TP.HCM tổ chức Hội thảo liên quan đến các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 7.

Mục đích sâu xa của xử lý nồng độ cồn

Tại Hội nghị, đại biểu Quốc hội (ĐQBH) Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành uỷ TP.HCM bày tỏ ủng hộ về việc xử lý nồng độ cồn của Công an TP trong thời gian qua.

“Bốn tháng đầu năm nay số liệu tai nạn giao thông trong cả nước tăng cao, hơn 3.500 người chết, trong đó có nguyên nhân là do sử dụng bia rượu” – ĐB Ngân nêu và cho biết ủng hộ việc đo nồng độ cồn để giảm thiểu các vụ tai nạn.

Ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM nói thống nhất cao với việc xử lý nghiêm việc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà uống rượu bia.

“Từ uống rượu bia quá đà cũng là nguyên nhân gây ra các vụ cố ý gây thương tích, giết người. Nên nghiêm cấm việc người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn. Như chuyện đội nón bảo hiểm trước đây, ban đầu cũng có nhiều ý kiến nhưng nay đã thành thói quen, nề nếp” – ĐB Sang nêu.

Giám đốc Công an TP.HCM: Xử lý nồng độ cồn để kéo giảm các loại tội phạm khác
Công an TP.HCM tổ chức Hội thảo liên quan đến các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 7. Ảnh: NT

PGS.TS Trần Việt Dũng, Trường ĐH Luật TP.HCM cũng nói mình ủng hộ việc kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng chất cồn với người lái xe. Tuy nhiên, theo PGS Dũng, mấu chốt nằm ở chỗ, “định lượng có hợp lý chưa, đảm bảo làm sao cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông tỉnh táo, không gây tai nạn”.

Với việc quy định nồng độ cồn bằng 0, ông Dũng cho rằng các quốc gia đều có những quy định về định lượng để xử lý cho phù hợp.

Vì thực tế có người uống rượu bia từ hôm trước nhưng hôm sau vẫn còn nồng độ cồn. “Lái xe có nồng độ cồn, gây tai nạn rất không nên nhưng quy định sao thì nên tính toán, mang tính chất khoa học” – ông Dũng nói.

Giám đốc Công an TP.HCM: Xử lý nồng độ cồn để kéo giảm các loại tội phạm khác
Công an TP.HCM thời gian qua tập trung xử lý nồng độ cồn. Ảnh: NY

Ông Nguyễn Văn Đạt, Ban Pháp chế HĐND TP cũng thống nhất cao về vấn đề này. Ông Đạt đề nghị cơ quan soạn thảo luật nên có chứng minh thuyết phục hơn để người dân hiểu rõ, chấp hành tuyệt đối.

“Cần thuyết phục người dân hiểu rõ rằng điều này đã được chứng minh bằng khoa học, toàn dân phải chấp hành” – ông Đạt nhấn mạnh.

Với việc tập trung xử lý các vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện trong thời gian qua, Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.HCM cho biết ngoài việc giảm thiểu các vụ va chạm, tai nạn còn là để hạn chế mức thấp nhất các vụ gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, thậm chí là giết người.

“Đây là mục đích sâu xa để kéo giảm các loại tội phạm này. Không ai cấm uống bia rượu, nhưng đã uống là không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, cái này phải kiên quyết như vậy. Công an làm rất quyết liệt với mong muốn đảm bảo an toàn cho người dân và trật tự an toàn xã hội” – Giám đốc Công an TP.HCM nhấn mạnh.

Mừng vì tội phạm đường phố được kéo giảm

Tại hội nghị, ĐB Trần Hoàng Ngân cũng bày tỏ vui mừng vì những kết quả trong đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm trộm cắp, cướp giật… của Công an TP.

“Mỗi lần đi họp Quốc hội thì hay mang tiếng về cái loại tội phạm này, như đi đường ở TP.HCM thì không nên cầm điện thoại, không đeo trang sức. Nhưng thời gian vừa qua tôi cảm thấy vui mừng vì tội phạm đường phố giảm, Công an TP đã bắt nhanh, phá án nhanh” – ông Ngân nêu thực tế.

Giám đốc Công an TP.HCM: Xử lý nồng độ cồn để kéo giảm các loại tội phạm khác
ĐB Trần Hoàng Ngân phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: NT

ĐB Ngân cho hay, tình trạng chèo kéo, chặt chém du khách còn xảy ra, làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch. Trong khi quyết tâm của TP là đẩy mạnh, phát triển du lịch vì đây là ngành công nghiệp không khói; nâng cao vẻ đẹp của người dân TP mang tên Bác trong mắt du khách.

Ông Ngân mong muốn Công an TP tiếp tục đấu tranh với các loại tội phạm, để củng cố niềm tin nhân dân, để an dân.

Trung tướng Lê Hồng Nam cho biết thời gian qua, Công an TP.HCM đã triển khai nhiều chương trình, biện pháp để kéo giảm các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm đường phố.

Theo Giám đốc Công an TP.HCM, hôm 10-5 vừa rồi, Công an TP và Sở Du lịch TP có buổi sơ kết. Thực tế có việc chèo kéo, chặt chém với các du khách tới TP thăm chơi.

“Việc chèo kéo, chặt chém gây bức xúc… Công an TP và Sở Du lịch cùng tham mưu là Công an sẽ xử lý nghiêm các trường hợp này làm sao để cho hình ảnh du lịch của TP là vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi để lại ấn tượng đẹp” – ông Nam nói.

Kết luận hội thảo, Trung tướng Lê Hồng Nam cho biết Ban tổ chức đã nhận được chín ý kiến, trong đó có hai tham luận của các đơn vị thực tế được trình bày tại hội thảo; đồng thời hội thảo đã nhận được 11 ý kiến đóng góp trao đổi của các đại biểu khách mời.

“Hội thảo có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, phát huy dân chủ, tăng tính pháp quyền, đề cao trách nhiệm với tinh thần lập pháp chủ động, vào cuộc từ sớm, từ xa…

Từ kết quả đạt được của hội thảo này, Công an TP.HCM sẽ tập hợp và báo cáo với Bộ Công an để nghiên cứu, rà soát và chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật trước khi trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 7” – Giám đốc Công an TP.HCM kết luận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm