Giám đốc Sở TN&MT: 99% sổ hồng đã được cấp cho dân

(PLO)- Nguồn thu về đất đai đóng góp trong tổng thu ngân sách của TP chiếm khoảng 12%-14%.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhân dịp 20 năm ngày thành lập Sở TN&MT TP.HCM (18-7-2003 – 18-7-2023), ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, đã có những chia sẻ với Pháp Luật TP.HCMliên quan đến công tác quản lý nhà nước về đất đai, môi trường trong thời gian qua.

Văn phòng Đăng ký đất đai TP Thủ Đức thực hiện cấp giấy chứng nhận cho người dân. Ảnh: NC

Văn phòng Đăng ký đất đai TP Thủ Đức thực hiện cấp giấy chứng nhận cho người dân.
Ảnh: NC

Tỉ lệ cấp giấy chứng nhận cao nhưng vẫn còn khó khăn

. Phóng viên: Trong suốt 20 năm qua, thành tựu quan trọng nào của ngành TN&MT đã tạo ra nguồn lực lớn cho TP.HCM trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thưa ông?

+ Ông Nguyễn Toàn Thắng: Trước tiên, tôi xin khẳng định thành tựu của ngành TN&MT trong 20 năm qua có thể kể là quy hoạch về đất đai. Cùng với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đất đai chính là gốc để định hướng phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Hiện nay, TP đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung của TP giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Trong đó, TP đã trình Thủ tướng quy hoạch đất đai giai đoạn 2021-2030, một lần nữa khẳng định đây chính là điều kiện để phát huy nguồn lực đất đai tốt nhất cho TP.

Qua 20 năm, dù có biến động nhưng nguồn thu về đất đai liên tục tăng, đóng góp trong tổng thu ngân sách của TP chiếm khoảng 12%-14%. Đây là nguồn lực rất quan trọng để TP phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua.

. Một trong những vấn đề được người dân rất quan tâm là lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (GCN). Theo báo cáo của sở, số lượng GCN đã cấp chiếm hơn 90%. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề “nóng” của TP khi còn tới hàng chục ngàn căn nhà chưa có sổ. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

+ Liên quan công tác cấp GCN, hiện nay TP đã cấp trên 92% GCN cho các tổ chức trên địa bàn TP, còn 8% của tổ chức gồm có đất nông lâm trường và một số đất khác. Đối với đất hộ gia đình cá nhân, trên toàn TP đã cấp khoảng 99,2%.

Về GCN lần đầu cho tổ chức và cá nhân tại dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn TP tính từ ngày 1-7-2014 đến 30-4-2023 đã cấp hơn 110.000 căn hộ/nhà ở và chưa cấp hơn 87.000 căn.

Tình hình tiếp nhận hồ sơ cấp GCN tăng qua từng năm. Theo đó, bình quân mỗi năm ngành cấp giấy đã giải quyết 107.195 hồ sơ và đang giải quyết trên 58.000 hồ sơ.

Hiện nay vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như chủ đầu tư dự án chậm nộp hồ sơ đề nghị cấp GCN, xuất hiện loại hình bất động sản mới, dự án đang thanh tra, dự án phải nộp nghĩa vụ tài chính bổ sung…

Để đẩy nhanh công tác cấp GCN, sở sẽ tiếp tục tổ chức làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư chậm nộp hồ sơ để làm rõ nguyên nhân. Đối với loại hình bất động sản mới, sở cũng đã mời Bộ TN&MT tập huấn, hướng dẫn thực hiện...

Ngoài ra, để thuận tiện cho công tác cấp GCN, Sở TN&MT thường xuyên cập nhật các thủ tục hành chính, quy trình nội bộ giải quyết các thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của sở trên trang thông tin điện tử của sở.

“Tình hình tiếp nhận hồ sơ cấp GCN tăng qua từng năm. Theo đó, bình quân mỗi năm ngành cấp giấy đã giải quyết 107.195 hồ sơ và đang giải quyết trên 58.000 hồ sơ.”

Gỡ vướng trong công tác xử lý rác

. TP.HCM là một siêu đô thị với trung bình một ngày gần 10.000 tấn rác thải sinh hoạt. Rõ ràng đây cũng là lĩnh vực đòi hỏi hành động quyết liệt của TP.HCM vì một TP xanh - sạch - đẹp hơn. Tuy nhiên, công tác xử lý rác trong thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập?

+ Thời gian qua, TP đã đưa ra chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2030. Ngoài ra còn có phát động cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì TP sạch, xanh và thân thiện môi trường”. Những chương trình này được các cấp chính quyền cũng như người dân TP đặc biệt quan tâm.

Về vấn đề xử lý rác, hiện nay TP cũng gặp một số khó khăn, trong đó một số dự án đốt rác phát điện của TP đang bị vướng một số thủ tục pháp lý. Đánh giá được tầm quan trọng của việc đốt rác có thu hồi năng lượng, Sở TN&MT đã chủ động báo cáo những khó khăn, vướng mắc của những dự án này để UBND TP, các sở, ngành có liên quan có hướng tháo gỡ.

Bên cạnh đó, hiện TP cũng đang tập trung đầu tư vào các dự án cải tạo kênh rạch lớn như kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, rạch Xuyên Tâm. Khi những dự án này hoàn thành sẽ góp phần to lớn trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cũng như tạo diện mạo mới sạch đẹp, khang trang cho TP.

. Xin cảm ơn ông.•

Nghị quyết 98 tạo sự đột phá cho ngành TN&MT TP.HCM

Nghị quyết 98 vừa được Quốc hội thông qua sẽ giúp ngành TN&MT gỡ nhiều điểm nghẽn tồn đọng phát sinh và cũng là bệ phóng giúp để TP phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình.

Cụ thể, trong lĩnh vực TN&MT, Nghị quyết 98 cho phép đẩy nhanh tiến độ hơn nữa bằng cách cho thực hiện trước việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất khi thu hồi đất của các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, kết cấu hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia, địa phương, giao thông, khu văn hóa thể thao, vui chơi giải trí cộng đồng, có quy mô từ 300 ha hoặc có từ 1.000 hộ gia đình trở lên. Điều này giúp rút ngắn thời gian chuẩn bị hồ sơ bồi thường nhằm bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn TP.

Bên cạnh đó, cho phép HĐND TP.HCM được thông qua hệ số điều chỉnh giá đất đối với những trường hợp Nhà nước đã cho thuê đất mà trả tiền thuê đất hằng năm. Điều này sẽ giúp rút ngắn được thời gian xác định giá đất.

Nghị quyết cũng cho phép một số trường hợp thu hồi đất mà hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu thì được bồi thường bằng tiền hoặc đất khác theo quy định. Điều này sẽ tạo cơ chế hoán đổi đất trong công tác bồi thường...

Đối với các dự án đốt rác phát điện, TP được áp dụng cơ chế thí điểm triển khai đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công xử lý rác sinh hoạt. Trong đó, TP giao đất, cho thuê đất trong các khu liên hiệp xử lý chất thải đã được quy hoạch (mà không cần phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất) và đưa ra các yêu cầu về công suất, tiêu chí về công nghệ, tiêu chuẩn môi trường, đơn giá và các yêu cầu khác có liên quan nhằm lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án.

Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm