Ngày 9-9, tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết ông Lê Tuấn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã có văn bản thông báo kết luận về thực hiện xây dựng hệ thống quản lý, giám sát, cảnh báo mất rừng bằng ảnh vệ tinh.
Theo đó yêu cầu Sở NN&PTNT hoàn chỉnh báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy trước ngày 15-9.
Vệ tinh Sentinel.
Theo Sở NN&PTNT, để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám, sử dụng các nguồn ảnh vệ tinh phục vụ công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực tài nguyên rừng hiện có một số giải pháp như mua thông tin hình ảnh từ vệ tinh của NASA; sử dụng phần mềm phát hiện rừng bị mất bằng vệ tinh Landsat7+8, Sentinel-2 do Tổng cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm đang vận hành; xây dựng phần mềm cảnh báo mất rừng, quản lý rừng (FMS) riêng của tỉnh…
Qua đó, Sở đề xuất phương án xây dựng phần mềm cảnh báo mất rừng, quản lý rừng (FMS) riêng của tỉnh.
Cụ thể, dự án xây dựng hệ thống quản lý, giám sát, cảnh báo mất rừng bằng ảnh vệ tinh phục vụ công tác quản lý tài nguyên rừng bền vững có ưu điểm là không mất kinh phí mua ảnh; ảnh được cập nhật mới liên tục khoảng 15 ngày/lần; chỉ tốn kinh phí xây dựng phần mềm cảnh báo mất rừng bằng ảnh vệ tinh của năm đầu tiên.
Dự kiến, kinh phí thực hiện khoảng 2,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, do sử dụng ảnh vệ tinh Sentinel-2 (độ phân giải 10 m, chu kỳ lặp lại năm ngày tại một vị trí) của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, có độ phân giải thấp nên ảnh chỉ phát hiện mất rừng với diện tích tương đối lớn 0,5 ha trở lên.
Rừng Đông Nam bộ và ĐBSCL chụp từ vệ tinh.
Được biết Bình Thuận hiện đang quản lý diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn khoảng 347.621,66 ha, trong đó diện tích đất có rừng 298.643,69 ha. Tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận rất đa dạng và phong phú, diện tích rừng tự nhiên lớn và có độ đa dạng sinh học cao.
Việc xây dựng và triển khai thực hiện dự án “Xây dựng hệ thống quản lý, giám sát, cảnh báo mất rừng bằng ảnh vệ tinh phục vụ công tác quản lý tài nguyên rừng bền vững tỉnh Bình Thuận” là hết sức cần thiết và cấp bách để cung cấp các thông tin cần thiết một cách nhanh nhất, đơn giản và hiệu quả nhất nhằm kịp thời phản ánh thực trạng về tài nguyên.
Từ đó, đề ra các giải pháp tối ưu nhất trong quản lý và giám sát sự thay đổi rừng và đất lâm nghiệp, bảo vệ rừng, phục vụ quy hoạch phát triển lâm nghiệp bền vững và góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu tại tỉnh Bình Thuận.