Giảm thuế để tiếp sức cho người dân

(PLO)- Chỉ còn mấy ngày nữa (31-12-2022), nhiều chính sách như giảm 2% thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu... sẽ hết hiệu lực.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Điều này đồng nghĩa nhiều loại thuế, phí sẽ tăng trở lại, gây áp lực lớn cho người dân lẫn doanh nghiệp.

Có thể khẳng định thời gian qua, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp lúc khó khăn trong và hậu dịch bệnh COVID-19, Nhà nước đã ban hành một số chính sách kịp thời và hiệu quả.

Ví dụ chính sách giảm 2% thuế VAT đối với hầu hết nhóm hàng hóa, dịch vụ trong năm 2022 đã giúp người dân, doanh nghiệp tăng sức đề kháng, tránh được cú sốc tăng giá hàng hóa. Hoặc việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã làm hạ nhiệt sức nóng của giá cả hàng hóa, dịch vụ. Doanh nghiệp giảm được chi phí đầu vào, người dân giảm áp lực gánh nặng chi tiêu.

Nhưng các chính sách hỗ trợ thuế, phí nêu trên sẽ kết thúc khi bắt đầu bước sang năm 2023. Trong khi đó, kinh tế năm 2023 sắp tới được dự báo còn nhiều gập ghềnh với những biến động đầy bất định. Đó là giá xăng dầu vẫn có khả năng tăng mạnh, lạm phát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, lãi suất cao và suy thoái kinh tế toàn cầu đang trở nên rõ ràng hơn.

Trước tình hình vô cùng khó, người dân và doanh nghiệp mong Nhà nước tiếp tục kéo dài thời gian giảm, hoãn thuế, phí. Chẳng hạn tiếp tục gia hạn chính sách giảm thuế VAT 2%, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, tiền thuê đất… tới hết năm 2023, thay vì kết thúc vào cuối năm nay.

Đây được coi là giải pháp trợ lực tài chính mạnh mẽ của Chính phủ đối với nền kinh tế, từ đó tạo động lực tốt cho sự phục hồi của doanh nghiệp, kích thích tiêu dùng. Đó cũng chính là giải pháp để nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách nhà nước. Bằng chứng là dù thời gian qua giảm một số loại thuế, phí nhưng tính đến ngày 15-12, ước thu ngân sách nhà nước đã vượt 19,8% dự toán với con số 1,69 triệu tỉ đồng.

Rõ ràng một chính sách tốt, kịp thời và hiệu quả thì cả xã hội cùng hưởng lợi. Khi người dân, doanh nghiệp và Nhà nước cùng đồng hành thì các bên cùng khỏe, nền kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh mẽ một cách bền vững.

Trong cuộc họp của Chính phủ gần đây, Thủ tướng chỉ rõ đã xuất hiện tình trạng nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh, cắt giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, sa thải lao động.

Do đó, các bộ, ngành phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bằng nhiều giải pháp cụ thể một cách kịp thời và hiệu quả. Bởi nếu chính sách hỗ trợ không kịp thời thì hoạt động sản xuất, kinh doanh mất cơ hội hồi phục và phát triển.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm