Giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá: WHO cần đẩy mạnh thêm chính sách giảm tác hại

(PLO)- Mới đây, The Lancet - tạp chí y khoa uy tín toàn cầu đã đăng tải lời kêu gọi của 2 giáo sư danh dự thuộc Đại học Auckland và là cựu thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Robert Beaglehole và bà Ruth Bonita.

Trong bài viết trên tờ The Lancet, 2 giáo sư đã bày tỏ quan điểm về việc WHO cần xem xét lại một cách độc lập các chính sách kiểm soát thuốc lá do chính cơ quan này đặt ra, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ chặt chẽ trụ cột thứ 3 mà Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) của WHO đề cập: đó là chiến lược giảm tác hại, bên cạnh giảm cung và giảm cầu.

Trụ cột thứ 3 của WHO về giảm tác hại đang bị lãng quên

Theo đó, Điều 1 (d) của FCTC có quy định: “Kiểm soát thuốc lá bao gồm một loạt các chiến lược về cung, cầu và giảm tác hại nhằm cải thiện sức khỏe của người dân bằng cách loại bỏ hoặc giảm tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá và giảm phơi nhiễm với khói thuốc”.

Các chuyên gia khẳng định, nguyên nhân khiến cho người hút thuốc không thể cai bỏ thuốc lá chính là phụ thuộc vào nicotine. Việc cai bỏ nicotine đã được các chuyên gia y tế toàn cầu đánh giá là khó hơn cả cai nghiện ma túy, bởi người hút thuốc không chỉ nghiện nicotine mà còn nghiện hành vi khi hút thuốc, đó là cầm, rít điếu thuốc, nhả khói thuốc...

Chính vì thế, chiến lược giảm tác hại thuốc lá chính là thay thế các sản phẩm thuốc lá điếu đốt cháy bằng các phương thức cung cấp nicotine khác ít có hại hơn. Nghĩa là, cần thêm những lựa chọn thay thế nào có nhiều tiềm năng để giúp chuyển đổi thói quen, hành vi hút thuốc, trong đó giảm bớt tác hại càng nhiều càng tốt, bắt đầu bằng các loại dược phẩm có chứa nicotine.

GS Robert Beaglehole và GS Ruth Bonita - 2 cựu viên chức WHO - tác giả bài nghiên cứu trên tạp chí Lancet

Tuy nhiên, đến nay WHO và Hội nghị các Bên (COP) của FCTC vẫn còn bác bỏ chiến lược giảm tác hại này. Cụ thể, GS Robert và Bonita đánh giá: “Trong bối cảnh thế kỷ 21 với nhiều tiến bộ công nghệ, việc phản đối này của WHO là không có cơ sở, đồng thời cũng bị tác động quá mức từ những người ủng hộ cách tiếp cận là chỉ chấp nhận việc cai hoàn toàn nicotine. Việc phản đối này thực chất chỉ trao thêm đặc quyền cho sản phẩm độc hại nhất, đó là thuốc lá điếu đốt cháy”.

Bài viết này cũng nhấn mạnh, nếu vẫn tiếp tục thờ ơ với vai trò của giảm tác hại, FCTC hiện tại đã không tuân thủ chặt chẽ và không được thực hiện đúng như mục tiêu ban đầu do chính WHO đặt ra. Theo đó, hiện nay cả WHO và FCTC đều không dựa trên bằng chứng mới nhất về vai trò của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ thuốc lá điếu sang các sản phẩm ít độc hại hơn. Thay vào đó, WHO chỉ đang tập trung vào hiện tượng sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT) trong giới trẻ. Cách tiếp cận này chỉ khiến các quốc gia ngày càng xa rời mục tiêu sức khỏe cộng đồng quan trọng hơn, đó là giảm thiểu số ca tử vong do thuốc lá điếu gây ra ở người trưởng thành hút thuốc.

Hơn 2/3 các nước thành viên của WHO công nhận các sản phẩm giảm tác hại

Mặc dù trong báo cáo xu hướng thuốc lá toàn cầu lần thứ 4, WHO công bố số người sử dụng thuốc lá trên cầu giảm 1,5% trong vòng 7 năm (2015-2022), dự kiến sẽ tiếp tục giảm 3,8% vào năm 2025. Thế nhưng, TS Ruediger Krech - Giám đốc Ban Nâng cao Sức khỏe của WHO lại thẳng thắn nhìn nhận “thành công này là rất mong manh”. Sự mong manh này dựa trên thực tế chỉ có 30% quốc gia có thể đạt được mục tiêu của WHO là giảm 30% tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành vào năm 2030.

Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới được xem là giải pháp giảm tác hại (ảnh chỉ mang tính chất minh họa cho bài viết, không nhằm mục đích quảng cáo)

Do đó, đã có 184 trong tổng số 193 thành viên của WHO lựa chọn đẩy mạnh chiến lược giảm tác hại bằng cách thương mại hóa các sản phẩm không khói, bao gồm thuốc lá làm nóng (TLLN), TLĐT, kết hợp với việc tiếp tục thực thi chiến lược giảm cung và giảm cầu.

Điển hình, Chính phủ Canada công khai khuyến khích người hút thuốc chuyển đổi hoàn toàn sang TLĐT nếu đã thử các biện pháp cai thuốc lá không thành công. Thậm chí, Bộ Y tế Canada còn cởi mở thảo luận với một số công ty thuốc lá về việc phát triển các sản phẩm TLTHM nhằm giảm tác hại.

Công bố về sản phẩm giúp giảm tác hại thuốc lá trên website chính phủ Canada

Bên cạnh Mỹ và Canada, Anh và New Zealand là hai trong số nhiều quốc gia đã thu hoạch được quả ngọt khi đẩy mạnh chính sách giảm tác hại bằng các sản phẩm thay thế. Các quốc gia này làm rõ chuỗi nguy cơ từ cao đến thấp của các loại thuốc lá khác nhau, thay vì cực đoan chọn phương án cấm tất cả TLTHM.

Động thái rõ ràng nhất của quốc gia này chính là công bố của nguyên Thủ tướng Jacinda Ardern vào tháng 9-2021 cho rằng: "TLĐT đang tạo ra sự khác biệt (về mức độ tác hại) đối với những người hút thuốc lá điếu và là một công cụ quan trọng giúp cai thuốc”.

Các nhà khoa học hiện đang đồng loạt kêu gọi WHO xem xét lại mục tiêu ban đầu và nhìn vào thực tiễn khách quan để đánh giá đúng vai trò của các sản phẩm giảm tác hại trong bối cảnh tỷ lệ giảm tiêu thụ thuốc lá chưa đạt được như kỳ vọng.

Trong một thư ngỏ gửi WHO, 100 chuyên gia y tế và các lĩnh vực khác đã thẳng thắn trình bày nguyện vọng: "Là những chuyên gia độc lập về khoa học và chính sách đối với thuốc lá và nicotine, chúng tôi cùng ký tên trên thư ngỏ này nhằm kêu gọi các Bên tham gia Công ước Khung FCTC khuyến nghị WHO ủng hộ và thúc đẩy việc đưa hướng tiếp cận giảm tác hại thuốc lá vào Công ước FCTC".

Các chuyên gia cũng bày tỏ mong muốn đại diện các Bên (COP) tham dự cuộc họp công nhận vai trò của giải pháp giảm tác hại thuốc lá đối với mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc ở các quốc gia như Nhật Bản, Anh, Canada và New Zealand.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới