Tránh nhập nhằng khi đã có luật để kiểm soát thuốc lá thế hệ mới

(PLO)- Thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng đều là những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới và đang là tâm điểm thảo luận hiện nay của các cơ quan bộ, ngành trong việc tìm cách quản lý.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Để sớm kiểm soát thuốc lá thế hệ mới (TLTHM), theo chuyên gia của các bên tham gia, cần phân biệt rõ đâu là sản phẩm đã thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) hiện hành. Đồng thời, nên thực thi các biện pháp cấm khả thi nhằm bảo vệ giới trẻ cũng như đảm bảo sự công bằng cho người hút thuốc. Bởi lẽ, cấm là cấm đối tượng sử dụng chứ không thể cấm cả một ngành kinh doanh vì ngành hàng thuốc là là hợp pháp, pháp luật không cấm.

Nên kiểm soát ngay TLTHM dưới luật thay vì trì hoãn

Thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá làm nóng (TLLN)mặc dù cùng sử dụng thiết bị điện tử để làm nóng và tạo ra nicotine, nhưng TLĐT hóa hơi dung dịch, trong khi TLLN hoạt động theo cơ chế làm nóng - không đốt cháy nguyên liệu thuốc lá để tạo ra khí hơi aerosol có chứa nicotine. Do có chứa nguyên liệu thuốc lá, TLLN đang được các nhà làm luật khẳng định là sản phẩm thuốc lá, nên cần chịu sự kiểm soát dưới Luật PCTHTL hiện hành.

Tại hội thảo “Tháo gỡ quan ngại để quản lý TLTHM” tháng 11 vừa qua, ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội khẳng định: “Theo quy định Luật PCTHTL, TLNN được hiểu là thuốc lá và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật”.

Ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó vụ trưởng Vụ Xã hội – Văn phòng Quốc hội

Ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó vụ trưởng Vụ Xã hội – Văn phòng Quốc hội

Đại diện Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, Bộ Khoa học - Công nghệ, ông Lê Thành Hưng - Trưởng phòng Tiêu chuẩn nông nghiệp thực phẩm khẳng định, TLLN là sản phẩm có điếu thuốc được chế biến từ thuốc lá, có thể được xác định là dạng khác của thuốc lá.

Về cơ sở pháp lý, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng: “Không có rào cản pháp lý đối với việc quản lý TLTHM. Thuốc lá là ngành nghề kinh doanh hợp pháp theo Luật Đầu tư và các sản phẩm TLTHM thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật PCTHTL. Tôi khẳng định TLLN là thuốc lá và có thể đưa ngay vào quản lý theo Nghị định 67 về kinh doanh thuốc lá, không cần phải thí điểm”. Chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng ngay khung pháp lý minh bạch theo các luật và văn bản dưới luật nêu trên để kiểm soát các sản phẩm này.

Do đó, việc chậm trễ đưa vào quản lý hoặc đề xuất cấm một sản phẩm đã thuộc định nghĩa của Luật PCTHTL được xem là không khả thi và không phù hợp với thông lệ quốc tế. Bởi lẽ, trên thế giới, TLLN hiện đang được 184 quốc gia đưa vào kiểm soát theo luật hiện hành và theo khuyến nghị của WHO.

Đối với những lo ngại liên quan đến khả năng thu hút giới trẻ của TLLN, cần thấy rằng đến nay chưa có nghiên cứu nào tại Việt Nam cho thấy giới trẻ sử dụng hoặc lạm dụng sản phẩm này. Một số nghiên cứu đã được thực hiện trên thế giới thậm chí còn cho thấy kết quả ngược lại. Chẳng hạn, theo báo cáo mới nhất năm 2022 của CDC Hoa Kỳ, tỷ lệ giới trẻ Mỹ sử dụng TLLN là rất thấp, chỉ 0,7% đối với học sinh cấp 2 và 1,1% đối với học sinh cấp 3.

Một nghiên cứu lớn với hơn 60.000 học sinh cấp 2 và cấp 3 do Bộ Y tế Nhật Bản ủy quyền thực hiện cũng cho thấy tỷ lệ sử dụng TLLN cực kỳ thấp, chỉ 0,1%.

Bảo vệ thế hệ trẻ tránh khỏi thuốc lá: Cấm giới trẻ sử dụng

Một trong những quan ngại lớn nhất hiện nay là tình trạng giới trẻ sử dụng TLTHM, cụ thể là TLĐT “chợ đen” ngày một phổ biến. Do đó, có ý kiến cho rằng khi đưa TLTHM vào quản lý thì tình trạng này sẽ tăng lên. Tuy nhiên, tham chiếu với các nước đã đi trước thì khả năng này là rất thấp nếu có chính sách quản lý phù hợp.

Cụ thể ở Anh, 5 khảo sát lớn của Tổ chức chống thuốc lá ASH từ năm 2015-2017 trên đối tượng thiếu niên 11-16 tuổi đã kết luận: Hầu hết giới trẻ chỉ dùng thử TLĐT để trải nghiệm mà không trở thành người dùng thường xuyên. Đồng thời, không có bằng chứng cho thấy TLĐT làm gia tăng tỷ lệ hút thuốc ở giới trẻ.

Còn ở Mỹ, khảo sát quốc gia về việc sử dụng thuốc lá trong thanh niên (NYTS) từ năm 2017-2019 đã phủ nhận các thông tin quan ngại về một “đại dịch nghiện nicotine mới” bắt nguồn từ việc sử dụng TLĐT. Dù những bằng chứng hiện nay cho thấy TLĐT chưa hẳn là cửa ngõ để thu hút giới trẻ hoặc tạo ra một thế hệ nghiện nicotine mới như trường hợp thuốc lá điếu trước đây. Thế nhưng, để giảm thiểu rủi ro trong tương lai, một số quốc gia đã ban hành chính sách cấm mua bán, sử dụng mọi sản phẩm thuốc lá đối với những người chưa đủ tuổi quy định.

Điển hình như Trung Quốc không cho phép công dân dưới 18 tuổi mua bất kỳ sản phẩm thuốc lá nào, quốc gia này có mức tiêu thụ thuốc lá cao nhất nhì trên toàn cầu. Mỹ sẽ tước giấy phép bán lẻ nếu phát hiện bán hàng cho người chưa đủ tuổi. Kể từ 2019, một số tiểu bang của Mỹ cũng thông qua luật nâng độ tuổi được phép mua thuốc lá từ 18 lên 21. Mới đây, New Zealand cũng thông qua luật cấm thế hệ sinh sau năm 2008 được phép mua thuốc lá, tuy nhiên lệnh cấm này không áp dụng cho TLTHM.

Hiện Việt Nam đã có những bước đi tương tự trong việc đưa ra các giải pháp ngăn chặn sự tiếp xúc với thuốc lá ở giới trẻ. Mới đây nhất, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga đã đề nghị các trường cấm học sinh hút TLĐT trong bối cảnh các loại ma túy, chất cấm pha trộn trá hình vào bánh kẹo, nước trái cây, TLĐT lậu… đang tấn công vào học đường. Song song đó, Bộ Y tế cũng đã phối hợp cùng Bộ GD & ĐT, Bộ TT & TT, các đơn vị liên quan tuyên truyền về tác hại của các sản phẩm thuốc lá trong nhà trường và xã hội, bao gồm cả thuốc lá điếu và TLTHM.

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Tính đến nay, việc quản lý TLTHM đã đi đến giai đoạn quyết định nhằm giải quyết toàn diện những vấn đề tồn đọng trong nhiều năm qua do thiếu cơ chế quản lý cụ thể. Nhà nước thất thu thuế, thị trường buôn lậu mặc sức tung hoành và tiếp cận sai đối tượng, đặc biệt là giới trẻ, sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi của người dùng không được bảo vệ… và cả những hệ lụy kéo theo sau đó.

Cho nên, các cơ quan bộ, ngành được kỳ vọng sẽ cấp bách thống nhất phương án kiểm soát phù hợp, ban hành các hình thức cấm đúng đối tượng, đúng sản phẩm trá hình và dung hòa lợi ích của các chủ thể, thay vì đề xuất cấm đoán cực đoan nhưng không đảm bảo hiệu quả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm