Như vậy, việc hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 67 năm 2013 sẽ là bước tiếp theo để giải bài toán kiểm soát thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) hơn 6 năm qua.
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Khai mạc hội thảo, ông Đinh Dũng Sỹ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho biết: Từ năm 2017, Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức liên quan nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 67 năm 2013 về một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (Luật PCTHTL). Đến nay, tiến độ xây dựng, thống nhất ý kiến giữa các bộ để trình Chính phủ xem xét, thông qua đã là muộn. Do đó, khuyến nghị cần sớm thống nhất các nội dung còn ý kiến khác nhau và trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Ông Đinh Dũng Sỹ (Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ) phát biểu tại sự kiện |
Trước đề xuất cấm hoàn toàn TLTHM, ông Kiều Dương - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường chia sẻ: Cách tiếp cận của Bộ Y tế vẫn theo cách tiếp cận truyền thống, đó là quản không được, quản khó thì cấm. Trong bối cảnh hiện nay, cách tiếp cận này là hơi khó, nên có cách tiếp cận mở hơn, phải tìm cách quản lý, có khung pháp luật phù hợp để điều chỉnh, đảm bảo nó phát triển theo đúng hướng chúng ta mong muốn.
Đồng tình với ông Dương, ông Nguyễn Triết - Tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam khẳng định: “Cấm vẫn cấm, bắt vẫn bắt, người ta hút vẫn hút”. Trước đó, ông lý giải thêm: Trên thế giới, các nước tiên tiến như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã chấp nhận cho tiêu dùng thuốc lá làm nóng trên thị trường. Khi nói TLTHM độc hại hơn là không đúng, vì chưa có bằng chứng.
Liên quan đến quyền lợi của người hút thuốc, bà Nguyễn Quỳnh Liên - Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban TW MTTQ Việt Nam nêu: Khi đặt đề xuất cấm TLTHM trong bối cảnh hàng lậu vẫn đang chiếm lĩnh thị trường chợ đen và xem xét từ góc độ quyền lợi của người trong tiêu dùng và cách tiếp cận bảo vệ sức khỏe cộng đồng, có thể nhận ra, người hút thuốc trưởng thành đang bị bỏ quên, chưa được đối xử công bằng và bình đẳng trước cơ hội chăm sóc sức khỏe.
Ông Nguyễn Hồng Ngọc, Vụ phó Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội đánh giá: Đến nay TLTHM vẫn chưa có biện pháp quản lý phù hợp. Vì vậy, việc tăng cường quản lý nhà nước về TLTHM là hết sức cần thiết. Năm 2023, Bộ Y tế và các bộ có liên quan cần thực hiện tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Luật PCTHTL, đánh giá tác động những vấn đề mới phát sinh cần luật hóa, cần sửa đổi, bổ sung, những hạn chế vướng mắc và có giải pháp nhằm hoàn thiện.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết: Hiện nay, Nghị định sửa đổi, bổ sung đã được Bộ Tư pháp thẩm định và đang trong quá trình hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét ban hành. Bộ Công thương có thể phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu, có thể bổ sung nội dung về quản lý TLTHM vào Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 67, đáp ứng nhu cầu quản lý
Kết thúc hội thảo, hầu hết ý kiến của các chuyên gia, bộ ngành đều thống nhất cho rằng, quản lý TLTHM là cách tối ưu để kiểm chứng thực tiễn và toàn diện các tác động của sản phẩm này trên nhiều mặt, đảm bảo mọi sản phẩm thuốc lá chịu sự giám sát của luật pháp, tạo sự an tâm cho cộng đồng, xã hội.