Cả nước đã có 464 ca mắc, số ca mắc trong cộng đồng tăng nhanh trong một tuần qua.
TP.HCM tạm đóng cửa quán bar, vũ trường từ 0 giờ ngày 31-7
Chiều tối 30-7, UBND TP.HCM đã gửi công văn khẩn về việc tạm thời ngưng hoạt động các cơ sở dịch vụ và hạn chế tụ tập đông người để phòng, chống COVID-19... Theo đó, UBND TP đề nghị các ngành, các cấp chính quyền tuyệt đối không được chủ quan lơ là, không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.
UBND TP yêu cầu chủ tịch UBND quận, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; khẩn trương rà soát phương án, kế hoạch phòng, chống dịch của địa phương mình, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trong tình hình mới.
UBND TP đề nghị người dân thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.
Văn bản này cũng yêu cầu tạm dừng tổ chức các sự kiện có tập trung đông người như lễ hội, hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, các hội nghị, hội thảo chưa cấp thiết khác... Đồng thời khuyến cáo việc hạn chế tập trung đông người tại tiệc cưới, tang lễ... và không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng (ngoài trường học, BV...).
Cùng đó là tạm thời đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như quán bar, vũ trường.
Các cơ quan, đơn vị tổ chức đo thân nhiệt và yêu cầu đeo khẩu trang ngay tại cửa ra vào đối với mọi người đến trụ sở làm việc, liên hệ công tác của các cơ quan, đơn vị.
UBND TP giao Sở TT&TT đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về tình hình, diễn biến dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch và khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác, chủ động và tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Cụ thể như đeo khẩu trang nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế tụ tập đông người khi không cần thiết, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn...
Thời gian áp dụng các biện pháp nêu trên bắt đầu áp dụng từ 0 giờ ngày 31-7 cho đến khi có thông báo mới.
Các nhân viên y tế căng mình làm việc tại các bệnh viện bị phong tỏa ở Đà Nẵng. Ảnh: BÙI TOÀN
Tại Hải Phòng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành chỉ đạo từ ngày 1-8 sẽ thực hiện đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân, các ngành không đến những vùng dịch.
Theo Bí thư Thành, từ hôm nay, 31-7, Thành ủy Hải Phòng sẽ ban hành chỉ thị chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc phòng, chống dịch. Theo đó, lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để dịch bệnh bùng phát.
Tại Bình Định, kể từ 0 giờ ngày 31-7, tỉnh này tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn, gồm cơ sở massage, karaoke, vũ trường, quán bar; các khu - điểm du lịch, địa điểm tham quan, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử; rạp chiếu phim.
Tại Kiên Giang, thông tin từ Sở Du lịch tỉnh cho hay giám đốc sở này vừa ký ban hành công văn đề nghị các đơn vị lữ hành trên địa bàn tỉnh tạm dừng đưa khách đến tham quan, du lịch tại TP Đà Nẵng.
Tại Khánh Hòa, ông Nguyễn Đắc Tài, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh này, cho hay lãnh đạo UBND tỉnh đã quyết định dừng tổ chức lễ hội văn hóa dân gian tỉnh Khánh Hòa năm 2020 tại TP Nha Trang dự kiến diễn ra vào tối 1-8.
Tại Quảng Nam, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã ký quyết định tạm dừng các hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19 tại huyện Đại Lộc và thị xã Điện Bàn. Thời gian áp dụng từ 0 giờ ngày 31-7 đến hết ngày 13-8. Đây là hai huyện, thị xã có hai ca nhiễm COVID-19 (BN 432 và BN 433) trong cộng đồng tại Quảng Nam.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định tạm dừng các hoạt động thể dục thể thao gồm bóng bàn, cầu lông, quần vợt, võ thuật, billiards, phòng tập thể hình, thể dục thẩm mỹ, yoga, bóng đá, bóng chuyền, bơi lội, cờ tướng, đánh golf.
Cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có quyết định thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 tại TP Hội An.
Đà Nẵng sẽ xét nghiệm 4.000 mẫu/ngày Đánh giá tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng đang “rất nguy cấp”, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ lưu ý ngành y tế xây dựng kế hoạch xét nghiệm diện rộng phù hợp với tình hình, diễn biến dịch bệnh và khả năng, nguồn lực đáp ứng của TP. Phấn đấu năng lực xét nghiệm đạt 3.500-4.000 mẫu/ngày. Khẩn trương công bố kết quả xét nghiệm F1 để giãn áp lực F2. |
Hai bệnh nhân COVID-19 nặng nhất đang phải sử dụng ECMO
Sáng 30-7, tại Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh nhân COVID-19, PGS-TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế đã làm việc với các điểm cầu về tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung.
Cùng tham gia hội chẩn có các giáo sư đầu ngành như GS-TS Nguyễn Gia Bình (Chủ tịch Hội Hồi sức - cấp cứu - chống độc Việt Nam), GS-TS Nguyễn Quang Tuấn, PGS-TS Phạm Thị Ngọc Thảo, PGS-TS Đào Xuân Cơ, TS Nguyễn Trung Cấp (Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới trung ương)... cùng các chuyên gia đầu ngành tại các điểm cầu.
Tại buổi hội chẩn, BV C Đà Nẵng báo cáo đang điều trị cho hai bệnh nhân COVID-19 là BN 420 và BN 445, trong đó BN 420 có tiến triển tốt hơn, không còn cảm giác khô miệng, vận động tay chân bình thường, thông khí phổi tốt.
Về tình hình hai bệnh nhân nặng điều trị tại BV Đà Nẵng, TS Lê Đức Nhân cho biết hai bệnh nhân nặng đang phải sử dụng ECMO, BN 428 suy thận nặng, thở máy, vừa hồi sức cấp cứu tích cực, hiện các thông số tạm ổn.
BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng báo cáo tại đây cũng có một bệnh nhân nặng phải thở máy, đề nghị chuyển đến BV Trung ương Huế.
Tại BV đa khoa Trung ương Quảng Nam, GS-TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Bạch Mai, cho biết về cơ sở vật chất BV có thể tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 nhưng nhân lực và trang thiết bị BV còn thiếu nhiều. GS Tuấn đề nghị bổ sung nhân lực (bác sĩ, điều dưỡng) hồi sức tích cực cho BV đa khoa Trung ương Quảng Nam từ các BV TP.HCM.
Về công tác xét nghiệm, do nhu cầu xét nghiệm quá lớn, các BV Đà Nẵng, Quảng Nam đề nghị bổ sung 20 máy xét nghiệm.
Tại điểm cầu BV Trung ương Huế, GS-TS Nguyễn Như Hiệp, Giám đốc BV, cho biết rút kinh nghiệm trong công tác vận chuyển, liên lạc và thông tin người bệnh từ buổi hội chẩn trước, BV đã tiếp nhận BN 438 từ BV Đà Nẵng chuyển đến, hiện bệnh nhân có tiến triển tốt hơn rất nhiều, không phải nằm hồi sức tích cực.
Tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM hiện điều trị hai ca dương tính (BN 449, BN 450); BN 449 trong tình trạng nặng do nhiễm trùng phổi, tiền sử cao huyết áp, sử dụng corticoid trong thời gian dài; đến ngày 30-7 BN 449 đã hết sốt và ổn định hơn.
Thêm 14 ca nhiễm mới: 5 ở Quảng Nam, 8 tại Đà Nẵng, 1 Hà Nội Chiều 30-7, Bộ Y tế thông báo về năm ca COVID-19 mới, tất cả ca nhiễm đều là người Quảng Nam. Cụ thể: Ca bệnh 460 (BN 460): Bệnh nhân nữ, 49 tuổi, ở xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam; ca bệnh 461: Bệnh nhân nữ, 45 tuổi, ở phường Sơn Phong, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam; ca bệnh 462: Bệnh nhân nam, 53 tuổi, ở phường Minh An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam; ca bệnh 463: Bệnh nhân nữ, 45 tuổi, ở Cẩm Nam, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam; ca bệnh 464: Bệnh nhân nữ, 69 tuổi, ở phường Minh An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Cả năm trường hợp được lấy mẫu ngày 28-7, kết quả ngày 30-7 dương tính với SARS-CoV-2. Trước đó, sáng cùng ngày, Bộ Y tế cũng đã công bố chín ca COVID-19, tại Đà Nẵng có tám ca, Hà Nội thêm ba ca. Cụ thể: Ca bệnh 451: Bệnh nhân nữ, 36 tuổi, là điều dưỡng BV Đà Nẵng; ca bệnh 452: Bệnh nhân nam, 52 tuổi, là bệnh nhân đang điều trị tại BV Đà Nẵng; ca bệnh 453: Bệnh nhân nữ, 56 tuổi, là bệnh nhân đang điều trị tại BV Đà Nẵng; ca bệnh 454: Bệnh nhân nữ, 65 tuổi, là người nhà đi chăm sóc bệnh nhân tại BV Đà Nẵng; ca bệnh 455: Bệnh nhân nữ, 32 tuổi, là bệnh nhân đang điều trị tại BV Đà Nẵng; ca bệnh 456: Bệnh nhân nữ, 57 tuổi, ở đường Hải Phòng, quận Hải Châu, Đà Nẵng; ca bệnh 457: Bệnh nhân nam, 70 tuổi, ở Hùng Vương, quận Hải Châu, Đà Nẵng; ca bệnh 458: Bệnh nhân nữ, 38 tuổi, ở Hòa Sơn, Hòa Vang, Đà Nẵng; ca bệnh 459: Bệnh nhân nam, 76 tuổi, ở Hoàng Hoa Thám, Tây Hồ, Hà Nội. |