Dịch vụ giết mổ gia cầm tại nơi bán hoặc các khu chợ được nhiều người tiêu dùng lựa chọn bởi vừa tiết kiệm được thời gian, công sức, lại tiện cho cả những người không biết... nhổ lông gà.
Theo ghi nhận của PV báo Pháp Luật TP.HCM ở nơi nào bán gà sống sẽ nhận kèm dịch vụ giết mổ gia cầm tại chỗ. Tuy nhiên, những điểm giết mổ này luôn trong tình trạng mất vệ sinh, gây khó chịu cho người qua lại. Lông, da, lòng hay phân gà sau khi giết mổ được dồn vào một góc, chờ cuối ngày thu gom.
Nơi giết mổ dính đầy máu và lông gia cầm. Ảnh: THU HÀ
Gia cầm được cho vào một lồng sắt úp ngược để cắt tiết. Rồi nhúng vào một nồi nước sôi. Điều đáng nói là chỉ một nồi nước nhưng hết con gà này đến con gà khác được trụng vào, mặc cho nước có cáu bẩn và đầy lông cùng phân gia cầm. Người làm thì tay không giết mổ, làm lông nội tạng trên nền nhà đầy máu. Các chất thải cứ thể được đổ thẳng xuống khu thoát nước của khu dân cư hoặc trên nền đất của khu chợ.
Người bán lẫn người mua đều vô tư và thờ ơ trước chính sức khỏe của mình. Khi được hỏi về nỗi lo mất an toàn thực phẩm từ các điểm mổ gia cầm này, chị Trần Phượng (quận 3, TP.HCM) cho biết dù biết những nơi giết mổ này không đảm bảo nhưng chị vẫn phải nhờ làm vì không có thời gian.
"Tôi mua gà sống thì vẫn thường thuê người bán làm luôn tại chỗ, vì nhà chật, lại sợ bẩn ra nhà, mất công dọn nữa. Mất có 15.000-20.000 đồng/con mà đỡ cho mình bao nhiêu thời gian, công sức. Lúc về chỉ cần rửa sạch lại bằng nước muối".
Không giống chị Phượng, chị Ngô Trần Lệ Quyên (quận Tân Bình, TP.HCM) lại không mua gia cầm còn sống và giết mổ tại các khu chợ vì lo sợ nguồn gốc, xuất xứ. "Vì không biết những con gà đó có nguồn gốc từ đâu, tôi sợ không đảm bảo an toàn nên ít mua gà sống ở các khu chợ. Gia đình tôi thường mua gà làm sẵn đông lạnh ở siêu thị, công ty có nhãn mác đàng hoàng hoặc nhờ người nhà mua, làm sẵn ở quê gửi lên" - chị Quyên chia sẻ.
Giết mổ gia cầm không đảm bảo an toàn sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe người làm và người sử dụng. Ảnh: THU HÀ
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, BS CKII Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc BV đa khoa Sài Gòn, cho biết: "Việc giết mổ gia cầm không đảm bảo an toàn thực phẩm tiềm ẩn rất nhiều tác nhân gây bệnh như virus, vi trùng". Theo BS Vui, việc gia cầm bị giết mổ ở nơi mất vệ sinh thì thịt sẽ có nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn gây bệnh. Nếu không chế biến đúng cách, người tiêu dùng sẽ bị nhiễm số lượng lớn vi khuẩn như Salmonella, E.coli. Những loại vi khuẩn tiết ra độc tố gây bệnh thương hàn, lỵ. Đáng nói, việc giết mổ gia cầm mất vệ sinh còn có thể làm lây nhiễm vi khuẩn - gây bệnh tiêu chảy ra máu với triệu chứng sốt, co rút cơ bụng, nôn mửa. Chưa kể, những loại vi khuẩn này hoàn toàn có thể bị nhiễm chéo trong quá trình chế biến thịt tươi thông qua dụng cụ như dao, thớt, chậu rửa.
"Do đó người dân nên lựa chọn mua gia cầm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Nếu giết mổ gia cầm hãy lựa chọn nơi đảm bảo an toàn trong khi giết mổ. Đồng thời những người làm dịch vụ cần nâng cao chất lượng dịch vụ để đảm bảo sức khỏe cho chính mình và cả người tiêu dùng" - BS Vui chia sẻ lời khuyên.