Giờ đâu đâu, đến chỗ nào cũng thấy món cơm tấm được gia giảm đủ thứ, nào trứng, nào sườn nướng, nào bì, nào dưa góp… mà sao vẫn không cảm thấy ngon.
Gọi dĩa cơm tấm ngồi… ngó mà tôi chợt nhớ dĩa cơm sườn cốt lết mẹ nấu ngày xưa. Không chỉ tôi, mà các con tôi giờ đã lớn lên, có đứa xa xứ vẫn mong nhớ về dĩa cơm sườn cốt lết buổi trưa của bà ngoại chúng.
Mẹ tôi làm cơm dĩa đơn giản lắm. Thịt heo cốt lết pha sẵn ở chợ mẹ mua một ký, tính miếng theo dẻ xương sườn. Thịt mua về ướp gia vị mắm, đường, tỏi, tiêu cho thiệt thấm. Sau đó khử dầu chiên cho cháy cạnh rồi bỏ cà chua rim lại cho đến khi cà chua quện vào thịt, cho ra thứ nước sốt sền sệt, đo đỏ là ngon.
Mỗi dĩa cơm mẹ thường chỉ để một miếng thịt, số còn dư để ngoài phòng có người muốn ăn thêm hay để sang bữa sau chứ nhất quyết không thêm một dĩa hai miếng. Mẹ bảo ăn vậy ớn, phải ăn thèm một chút mới ngon.
Rau ăn kèm cũng đơn giản, vài búp xà lách, rau ngò, hành lá, rau thơm rửa sạch (xà lách phải bẻ đôi chớ không xé nhỏ). Cà chua chín xắt lát tròn mỏng, nếu thích thì thêm hành tây xắt mỏng, thả vào tô nước đá để một tiếng là ăn ngon ngay. Vừa giòn, mát, vừa ngọt lại tốt cho sức khỏe.
Chén nước mắm chua ngọt ăn với cơm dĩa được mẹ để tâm nhất. Ớt trái đỏ tươi giã nhỏ cùng tỏi, pha thêm chút đường, chanh thiệt thơm, chút nước lọc, kèm nước mắm ngon. Pha sao đó để mỗi vị mỗi chút mà cuối cùng vẫn ra được chén mắm chua ngọt thơm lừng, nghe đủ mùi chanh tỏi ớt mắm, đủ vị chua cay mặn ngọt.
Mỗi khi nhà ăn cơm dĩa là những cái dĩa to đẹp, thường ngày bày trong tủ kính sẽ được mẹ lấy ra để dùng. Mẹ chia cơm vào dĩa cho từng người, đứa nào đang tuổi ăn tuổi lớn sẽ được dĩa nhiều cơm, cơm vừa vừa là dành cho con gái, dĩa của mẹ bao giờ cũng ít cơm nhất.
Xong phần chia cơm là đến phần chia thịt, rồi trang trí vài lát cà chua cắt tròn, ít lá xà lách, hành tây bào mỏng, rưới nước sốt lên trên… là xong. Ai thích thì ăn thêm mắm chua ngọt.
Các con tôi lần nào ăn cơm dĩa mẹ tôi nấu cũng xin thêm, sau rồi than: “Ngon quá. Ngoại cho ăn no quá!”.