Góp ý Luật Đấu giá tài sản: Bỏ quy định đăng thông tin đấu giá trên báo

(PLO)- Việc đăng thông tin trên báo in, báo hình hiện nay không mang lại hiệu quả như mong muốn mà còn phát sinh thêm chi phí, do đó có kiến nghị bỏ quy định này trong dự án Luật Đấu giá tài sản.

Chiều 4-10, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Đấu giá tài sản sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6.

Luật Đấu giá tài sản
Toàn cảnh hội thảo góp ý dự án Luật Đấu giá tài sản. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Đề xuất bỏ quy định đăng thông tin đấu giá công khai trên báo

Góp ý tại hội thảo, bà Mai Thị Tuyết Hạnh, đại diện Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM đề nghị bỏ quy định cơ quan tổ chức đấu giá phải thông báo công khai ít nhất 2 lần trên báo in hoặc báo hình của địa phương hoặc tỉnh, TP nơi có tài sản đấu giá.

Theo bà Hạnh, mục đích này quy định là nhằm công khai việc đấu giá tài sản cho nhiều người biết hơn nhưng thực tế việc đăng thông tin trên báo in, báo hình hiện nay không mang lại hiệu quả như mong muốn mà còn phát sinh thêm chi phí.

“Hiện nay báo giấy rất ít người đọc và thường báo giấy sẽ đăng những khung giờ có ít người xem nên không mang lại hiệu quả mà còn tạo thêm chi phí cho người có tài sản”- bà Hạnh khẳng định.

luat-dau-gia-tai-san-1.JPG
Đại diện công ty Đấu giá hợp danh Bến Thành góp ý dự án Luật Đấu giá tài sản. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Bà Lê Thị Yến Nhi, đại diện công ty Đấu giá hợp danh Bến Thành, cũng đồng tình với kiến nghị này. Bà Nhi cho biết, với quy định này thì các tổ chức đấu giá thường lựa chọn đăng thông tin ở báo trung ương vì việc đăng thông tin trên báo địa phương gây mất thời gian và công sức khi phải liên hệ với từng địa phương để đăng bài.

“Tuy vậy, việc đăng bài ở báo trung ương không thể tiếp cận những người thực sự có nhu cầu. Khi người dân có nhu cầu họ sẽ tìm hiểu thông tin trên Cổng thông tin đấu giá tài sản của Bộ Tư pháp”- bà Nhi lý giải và cho rằng cần bỏ quy định này trong Luật Đấu giá tài sản nhằm phù hợp với thực tế.

Giảm tiêu cực trong việc đấu giá tài sản

Theo luật sư Trương Thị Hoà, cần phải đảm bảo mọi thủ tục đấu giá thực sự chặt chẽ, công khai, minh bạch. Điều này sẽ giúp hạn chế các tiêu cực trong việc đấu giá.

Do đó LS Hoà kiến nghị trong dự án Luật Đấu giá tài sản cần có quy định bắt buộc phải đăng thông tin đấu giá trên Cổng thông tin đấu giá tài sản của Bộ Tư pháp và niêm yết thông tin đấu giá tại UBND xã, phường.

luat-dau-gia-tai-san-2.JPG
Luật sư Trương Thị Hoà góp ý dự án Luật Đấu giá tài sản. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Luật sư Trương Thị Hoà cũng đề nghị bổ sung quy định tất cả các thủ tục, trình tự đấu giá, tài sản đấu giá, giá khởi điểm,... đều phải được thông tin đến Cổng thông tin đấu giá tài sản. Trường hợp thiếu sót bất cứ thông tin nào thì đều là căn cứ để hủy bỏ kết quả đấu giá.

“Quy định vấn đề này cực kỳ quan trọng để tăng cường quản lý Nhà nước về đấu giá, bảo vệ và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản bị đấu giá”- bà Hoà nói.

Luật sư Trương Thị Hoà đồng tình với việc bổ sung quy định cho phép người dân bán đấu giá “tài sản thuộc sở hữu cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán thông qua hình thức đấu giá của luật này” (theo khoản 2, điều 4) trong dự án Luật Đấu giá tài sản.

Theo luật sư, tuy Nhà nước không bắt buộc người dân bán đấu giá tài sản riêng nhưng nếu Luật Đấu giá tài sản được thực hiện tốt thì người dân có thể chọn đấu giá để bán tài sản với giá cao nhất, dễ nhất.

“Để làm được thì nên có phương thức, cách thức ngắn gọn, chú ý đến chuyện hướng dẫn để người dân có thể vận dụng, áp dụng Luật Đấu giá tài sản để bán tài sản của mình”- bà Hoà kiến nghị.

Bổ sung quy định đào tạo đội ngũ đấu giá viên

Theo TS. Nguyễn Vinh Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, một bộ phận đấu giá viên hiện nay còn hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, việc cập nhật kiến thức pháp luật...

Để khắc phục, ông Huy đề xuất dự án Luật Đấu giá tài sản sẽ điều chỉnh lại thời gian khoá đào tạo nghề đấu giá và thời gian tập sự hành nghề đấu giá từ 6 tháng thành 12 tháng.

luat-dau-gia-tai-san-3.JPG
TS. Nguyễn Vinh Huy góp ý dự án Luật Đấu giá tài sản. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Ông nhận định, việc tăng thời gian học nghề và tập sự sẽ khắc phục được tình trạng hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ góp phần nâng cao kỹ năng, năng lực của người hành nghề đấu giá.

“Việc này cũng nhằm hướng đến việc thu hút người vừa tốt nghiệp đại học tham gia học nghề”- ông nói.

Ngoài ra, TS Nguyễn Vĩnh Huy cho rằng dự án Luật Đấu giá tài sản có nội dung bỏ quy định về miễn đào tạo nghề đấu giá đối với một số trường hợp là luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, quản tài viên, trọng tài viên có thời gian hành nghề từ 2 năm trở lên... và thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên là chưa hợp lý.

Ông Huy kiến nghị cần điều chỉnh lại theo hướng những đối tượng này sẽ được giảm thời gian học nghề và thực tập nghề đấu giá.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm