Sửa Luật Đấu giá tài sản để tránh 'thông đồng, dìm giá'

(PLO)- Các đại biểu đề nghị khi sửa Luật Đấu giá tài sản cần làm rõ bản chất của luật là hình thức hay nội dung, tiền đặt cọc khi đấu giá, nơi đấu giá, giá khởi điểm…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 16-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thay mặt Chính phủ trình bày về dự luật này.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày về dự án Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi). Ảnh: QH

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày về dự án Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi).
Ảnh: QH

Theo bộ trưởng Bộ Tư pháp, từ khi triển khai Luật Đấu giá tài sản đến nay đã có nhiều bước tiến cả về đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá lẫn trình tự, thủ tục đấu giá. Các cuộc đấu giá ngày càng thành công cả về mặt giá trị và quy mô, đóng góp tích cực cho việc quản lý, sử dụng tài sản công, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy vậy, thực tiễn thực hiện Luật Đấu giá tài sản cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Chẳng hạn, chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung còn bất cập, tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, “thông đồng, dìm giá” ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp. Ngoài ra, trong cơ chế kiểm soát còn bộc lộ một số vướng mắc; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá cũng còn một số hạn chế, khó khăn…

Trước yêu cầu thực tiễn của hoạt động đấu giá tài sản, bối cảnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ, ông Long khẳng định việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đấu giá tài sản nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên là rất cần thiết và cấp bách.

Từ đó, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để nâng cao chất lượng hoạt động đấu giá, phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng như ý kiến của các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí với việc phải sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản. Tuy vậy, cũng từ thực tiễn đấu giá diễn ra trong thời gian qua, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần làm rõ một số vấn đề như bản chất luật này là hình thức hay nội dung, tiền đặt cọc khi đấu giá, nơi đấu giá, giá khởi điểm, các trình tự, thủ tục đấu giá…

Đặc biệt, báo cáo thẩm tra cũng như ý kiến của nhiều ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cho rằng cần cân nhắc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự luật sang cả đấu giá hàng hóa của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán đấu giá.

Theo ý kiến của cơ quan thẩm tra, nếu mở rộng phạm vi điều chỉnh thì Luật Đấu giá tài sản sẽ phải nghiên cứu phạm vi điều chỉnh. Ngoài ra, hồ sơ của dự luật này cũng chưa có đánh giá tác động đối với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh như trên.

“Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị xem xét dự án luật với phạm vi điều chỉnh sửa đổi, bổ sung như tại tờ trình của Chính phủ đã nêu” - báo cáo thẩm tra nêu.

Bộ trưởng Lê Thành Long sau đó đã phát biểu giải trình và cho biết sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm