Clip GS Trần Văn Khê dạo Sài Gòn bằng xích lô nói chuyện văn hóa. Quỳnh Trang - thực hiện
Âm nhạc cổ truyền Việt Nam được cả thế giới biết đến đó là nhờ một phần công sức quảng bá của GS Trần Văn Khê.
Đánh đàn thuê để kiếm tiền ăn học
Năm 1941, chàng thanh niên 20 tuổi Trần Văn Khê đã đứng trên sân khấu nhà hát lớn Hà Nội chỉ huy dàn nhạc, hát bài hát tiếng Pháp "Le petit doigt de maman" để nhằm mục đích chính là được giới thiệu dân ca ba miền tiếp sau đó. Ngay từ lúc ấy, ông đã có ý thức giới thiệu âm nhạc dân tộc. Sau buổi biểu diễn, báo La Volonté Indochinoise đã viết bài khen ngợi: "Việt Nam có một sinh viên trẻ tuổi chỉ huy dàn nhạc với phong cách một nhạc sĩ nhà nghề". Đó là một kỷ niệm đẹp về đêm nhạc sinh viên đầu tiên của Trần Văn Khê - nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống và văn hóa dân tộc nổi tiếng của Việt Nam sau này.
Ngón đờn của GS Trần Văn Khê làm say đắm bao tâm hồn con người trong và ngoài nươc - Ảnh Tư liệu
Trần Văn Khê sang Pháp du học từ năm 1949. Hè năm 1951, ông thi đậu vào trường Chánh trị Khoa giao dịch quốc tế. Cho đến năm 1958, ông theo học khoa nhạc học và chuẩn bị luận án tiến sĩ dưới sự chỉ đạo của các Giáo sư Jacques Chailley, Emile Gaspardone và André Schaeffner. Tháng 6 năm 1958, ông đậu Tiến sĩ Văn khoa (môn Nhạc học) của Đại học Sorbonne.
Trải qua thời sinh viên mà nhất là du học sinh việc làm thêm vừa để kiếm sống vừa để có tiền ăn học hầu như ai cũng trải qua. GS Trần Văn Khê cũng vậy.
"Những năm đầu thập niên năm mươi ở nước Pháp, khi ông vừa theo học ở khoa giao dịch quốc tế Trường Chính trị Paris vừa đi đánh đàn thuê ở tiệm ăn La Paillote do ông Từ Bá Hòa làm chủ. Đánh đàn để kiếm sống, nhưng ông chỉ sử dụng các nhạc cụ truyền thống Việt Nam và chơi các bản nhạc truyền thống Việt Nam, vậy mà thực khách ưa thích.
Từ đó đến nay đã hơn nửa thế kỷ mà ông vẫn đeo đuổi chỉ một công việc: nghiên cứu, giảng dạy, quảng bá giá trị đặc sắc của âm nhạc truyền thống Việt Nam và góp phần vinh danh giá trị đó ở khắp nơi trên thế giới. 15 đại học ở nước ngoài, 200 hội nghị quốc tế về âm nhạc tại 67 quốc gia, 20 liên hoan âm nhạc thế giới… ở bất cứ nơi đâu ông có mặt, âm nhạc Việt Nam lại đĩnh đạc vang lên" (Theo Tuổi Trẻ).
Cuối năm 1954, ông theo học và chuẩn bị luận án tiến sĩ tại Khoa Anh văn và Âm nhạc học, Trường Đại học Sorbonne, Paris. Để lấy tiền sinh hoạt, ông đã làm nhiều công việc khác nhau như: thuyết trình về các đề tài âm nhạc, kịch nghệ, kể chuyện cổ tích Việt Nam cho đài BBC; đóng phim; lồng tiếng cho phim... Tháng 6-1958, ông bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ với đề tài chính: "Âm nhạc truyền thống Việt Nam" và hai đề tài phụ: "Khổng Tử và âm nhạc", "Vị trí âm nhạc trong xã hội Việt Nam". Từ đây, ông bắt đầu đi những bước đầu tiên trên chặng đường dài mà mình đã chọn: sưu tầm, nghiên cứu, quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Tận dụng mọi lúc mọi nơi để quảng bá âm nhạc
Thầy Trần Văn Khê say sưa quảng bá, không ngừng truyền giảng cái đẹp của âm nhạc cổ truyền Việt Nam - Ảnh tư liệu
Sau khi về nước (năm 2005), GS không ngừng quảng bá âm nhạc. Tháng 8-2006, tại một nhà hát ở Torino (Ý) trong tuần lễ “Di sản âm nhạc Việt Nam” do các bạn Ý tổ chức, mỗi khi các nghệ sĩ Hải Phượng, Huỳnh Khải, Nhứt Dũng biểu diễn dứt một tiết mục nhạc tài tử và nhạc lễ Nam bộ, giáo sư Trần Văn Khê lại lên sân khấu giới thiệu bằng tiếng Pháp và tiếng Anh về ý nghĩa, về những điểm chung và riêng của các loại hình âm nhạc này.
Gần đây nhất, ngày 22-11-2012 ông nhận lời làm diễn giả trong chương trình “Đi tìm tiếng nói thế hệ” do PACE tổ chức. Với đề tài “Người trẻ và âm nhạc dân tộc”, ông không nói với hơn 600 bạn trẻ về khả năng dâng hiến, về khát vọng thành công, về tính độc lập trong tư duy. Đó là phần luận bàn của các chuyên gia khác. Ông đi xe lăn đến diễn đàn này để trò chuyện với những người trẻ về cảm xúc mà mỗi con người cần phải có, phải giữ để làm nên độ mặn nhạt trong lối sống của mình. Nguồn cội văn hóa sẽ cho người ta một phần rất quan trọng của cảm xúc đó.
Ông giải thích một cách giản dị cho cử tọa trẻ nghe về sự khác biệt của ca trù, ca Huế, chầu văn, nhã nhạc, nhạc tài tử…, về sự tinh tế của dòng nhạc dân gian và sự thâm trầm của dòng nhạc bác học trong âm nhạc dân tộc. Và, bằng chất giọng còn rất trầm ấm nhưng hơi lực chẳng còn như ý, ông đã cất tiếng hát cho các bạn trẻ nghe những điệu ru của miền Nam, miền Trung và miền Bắc.
“Ví dầu con cá nấu canh/Bỏ tiêu cho ngọt bỏ hành cho thơm”. Nỗ lực ngân nga của ông, nét biểu cảm của bài ru trên gương mặt của một người đã đi qua chín mươi hai năm cuộc đời đã làm xúc động thế hệ 7X, 8X, 9X. Tiếng vỗ tay nhiều lần và kéo dài trong khán phòng như thay cho sự chia sẻ và lời tri ân dành cho ông - người mà cả đời tự gánh lấy trách nhiệm giữ gìn và truyền đến mọi người ngọn lửa tình yêu với âm nhạc dân tộc. Vượt qua sự thông thường, câu chuyện về âm nhạc truyền thống Việt Nam có phần nỗ lực minh họa sống động của ông trở thành bức thông điệp về một giá trị văn hóa đặc sắc mà cha ông để lại cho con cháu.
Đến nhà Trần Văn Khê ở Sài Gòn, nếu may mắn gặp chủ nhà, khách có thể sẽ được nghe nhiều câu chuyện thú vị. Như là câu chuyện sau đây mà nếu muốn, khách có thể lục lọi trong Thư viện Trần Văn Khê (đặt tại nhà ông hiện nay) để biết. Đó là chuyện ông - với tư cách là người Việt Nam đầu tiên được Đại học Sorbonne Paris trao bằng tiến sĩ âm nhạc học với đề tài “Âm nhạc truyền thống Việt Nam” (La Musique Vietnammienne (traditionnelle) - đã may mắn có cơ hội được giao soạn thảo chín trang về lịch sử âm nhạc Việt Nam trong Encyclopedie de la Pleiade vào cuối năm 1958. Đó là lần đầu tiên âm nhạc Việt Nam được góp mặt vào hệ thống công cụ tra cứu tri thức thế giới.
Mặc dầu tuổi cao Thầy vẫn miệt mài ngồi trên xe lăn để đến bất cứ nơi đâu nói chuyện về âm nhạc cổ truyền Việt Nam - Ảnh Tư liệu
Đó cũng là một điểm tựa tinh thần, “danh chính ngôn thuận” để Trần Văn Khê thêm tự tin dấn thân vào sự nghiệp quảng bá miệt mài các giá trị âm nhạc truyền thống Việt Nam ở Pháp, ở Hội đồng quốc tế âm nhạc Unesco và nhiều trung tâm nghiên cứu quan trọng khác. Nhờ đó và cùng với sự góp sức từ nhiều bạn bè, đồng nghiệp của Trần Văn Khê mà nhiều năm sau nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên, ca trù… được Unesco vinh danh là kiệt tác di sản truyền khẩu phi vật thể của nhân loại.
Cũng có thể khách sẽ được nghe câu chuyện ca trù nhiều năm bị quên lãng ở miền Bắc Việt Nam đã “sống lại” như thế nào. Đó là năm 1976, giáo sư - tiến sĩ Trần Văn Khê lần đầu về thăm đất nước theo lời mời của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nhiều cơ quan ở Hà Nội đã mời ông đến nói chuyện: Hội nhạc sĩ Việt Nam, Trường Âm nhạc Việt Nam, Bộ Văn hóa, Đài Tiếng nói Việt Nam…
Ở đâu ông cũng nói về giá trị đặc sắc của âm nhạc truyền thống Việt Nam và tầm quan trọng của việc giảng dạy, quảng bá, khai thác đúng nguyên tắc để bảo tồn và phát huy vốn cổ.