Cụ Vũ Đình Hòe - Ảnh tư liệu
Quyển sách được Nhà xuất bản Trẻ tổ chức ra mắt vào sáng 19-8, và được phó giáo sư Trần Hữu Tá, giám đốc Nhà xuất bản Trẻ Nguyễn Minh Nhựt, giáo sư Vũ Thế Khôi (con trai cụ Vũ Đình Hòe) và cả những đọc giả đáng kính là giáo sư từ nước ngoài về đều khẳng định cùng một ý: “Quyển sách dành cho những ai quan tâm đến công việc của mình hiện tại và những ai mong muốn giúp ích cho đất nước”.
Sinh năm 1912 ở tỉnh Hải Dương, cụ Vũ Đình Hòe từng là chủ tạp chí Thanh Nghị về văn chương – kinh tế - chính trị giai đoạn 1941-1945. Sau Cách Mạng Tháng Tám, cụ là Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau đó làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp… Gương mặt những người cùng thế hệ tập hợp 20 bài viết những nhân vật anh tài về văn hóa – chính trị - xã hội cùng thời với cụ như các cụ Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Luyện, Nghiêm Toản, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Hiến Lê, Đỗ Đức Dục, Hoàng Văn Đức, Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Xuân Hãn… Trong đó có bài viết về ông Nguyễn Hữu Đang đang dang dở thì cụ Hòe mất vào năm 2011 ở tuổi 99.
PGS.TS Trần Hữu Tá giới thiệu quyển sách cuối cùng của GS Vũ Đình Hòe - Ảnh: L.ĐIỀN
Giáo sư Vũ Thế Khôi cho biết, cụ Hòe hoàn thành quyển sách này vào những năm cuối đời, khi đã hơn 90 tuổi. Mắt yếu, tay run không viết được nữa thì cụ nằm võng đọc cho con trai, thư ký ghi chép lại, sau đó nghe đọc lại để chỉnh sửa. Ông Khôi kể: “Bố tôi muốn hoàn thành quyển sách vì cụ Nguyễn Văn Tố - người bạn cùng thời, một trí thức lớn cống hiến cả đời cho dân tộc, cách mạng, hy sinh ngay trên chiến trường mà hơn 60 năm vẫn chưa được truy nhận liệt sĩ. Cụ Tố uyên thâm Hán học, Tây học, từng làm ở Viện Viễn Đông bác cổ, rồi làm Hội trưởng Hội Trí Tri năm 1938, sau đó là Hội trưởng Hội Truyền bá quốc ngữ. Sau CMT8 cụ Tố làm Bộ trưởng Bộ cứu tế xã hội, làm đại biếu và là Trưởng ban Thường trực Quốc hội khóa 1, rồi Bộ trưởng Quốc vụ khanh trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến. Cụ bị giặc bắt và bắn chết trong chiến khu Việt Bắc. Cụ Hòe đã nhiều lần đấu tranh về việc truy tặng liệt sĩ cho cụ Tố.
Sinh thời bố tôi từng nhiều lần viết thư bảo tôi mang đến Quốc hội về việc cụ Tố. Năm 2011, (tức 60 năm sau khi cụ Tố qua đời), trước khi mất, bố tôi mặc dù tai đã lãng, ông còn hỏi tôi: “Việc cụ Tố thế nào rồi?”. Tôi phải hét vào tai bố là việc xong rồi, cụ Tố đã được truy nhật liệt sĩ, đã được tặng huy chương Sao Vàng. Bố tôi bảo: “Vạn hạnh, vạn hạnh, tôi sắp đi gặp các cụ ấy đây. Không làm xong việc này tôi biết nói gì với các ông ấy khi gặp… ”. Trước khi mất, cụ Hòe đã trăn trối: “Tôi dành sức tàn đọc cho con ghi lại những bài viết cuối cùng này vì muốn không một ai có công với dân với nước bị lãng quên”.
Phó giáo sư Trần Hữu Tá phát biểu, rằng quyển sách của cụ Hòe đã viết về những con người có công lớn với đất nước, trong đó có những người giữ chức vụ rất cao, có những người có “vấn đề về lý lịch”, có những người suốt một thời gian dài chẳng được nhắc đến, mãi đến gần đây mới được nhắc nhở như ông Nguyễn Hữu Đang, Đỗ Đức Dục….
Theo thầy Tá: “Điểm chung của những con người cụ Hòe viết trong quyển sách đều là những trí thức được đào tạo trong trường của Pháp hoặc từ Pháp trở về, có nhiều xuất thân khác nhau nhưng đều trăn trở tìm đường cứu nước với tinh thần dân tộc, có những ưu tư về vận mệnh đất nước. Họ dũng cảm, trung thực, không màng danh lợi. Đất nước hiện đang trong thực tế tụt hậu, ngay cả với các nước trong khu vực, chúng ta phải nhìn vào các cụ thế hệ vàng ngày xưa, như những người đã được viết trong sách để tự hỏi chúng ta ngày nay làm sao có được nhân phẩm, ý chí, nghị lực như các cụ để giúp nước”.
Độc giả Nguyễn Đăng Hưng – một Việt kiều làm công tác giảng dạy đại học tại Mỹ cũng phát biếu về quyển sách: “Đây là quyển sách quí, soi sáng, nó thúc giục chúng ta làm sao để lớp trẻ hôm nay tiếp nối tư duy, tài năng, nhân cách các gương mặt người cùng thế hệ của cụ Vũ Đình Hòe”.
Ông Vũ Thế Khôi cho biết, sinh thời cụ Hòe dặn dò: “Sách này viết cho thanh thiếu niên nên việc làm sách phải thật cẩn thận, chỉ xuất bản nếu làm rõ tất cả các ghi chú. Hãy sưu tầm mà đừng tin vào lý lịch vì lý lịch có khi khai man. Như tôi đây sinh năm 1913 mà lý lịch ghi 1912”. Do đó suốt năm năm sau khi cụ Hòe mất ông Khôi và gia đình đã lặn lội khắp nơi tìm gặp người nhà các nhân vật để nghe họ kể chuyện về người thân để hoàn thành quyển sách trên bản thảo của cụ Hòe để lại.
Ngay cả việc tìm xin hình ảnh các nhân vật từ chính người nhà của họ cũng vô cùng khó khăn. Có người không thể tìm ra người nhà, bất đắc dĩ phải sử dụng ảnh tư liệu trên mạng như cụ Nguyễn Hiến Lê. Có người như cụ Nghiêm Toản chuyển vào Nam từ năm 1954, ông Khôi phải lặn lội vào Nam tìm đến hội văn học văn nghệ để hỏi tìm người nhà cụ Toản mà vẫn không ra. Mãi gần đây vô tình ông mới biết cụ Nghiêm Toản có một người con nuôi là đại tá đang ở Hà Nội. Tìm gặp người con nuôi này gia đình ông Khôi mới có được hình cụ Toản. Đó là cách gia đình cụ Vũ Đình Hòe đã giữ đúng tinh thần của cụ để làm một quyển sách cho những người trẻ.