Hạ tầng giao thông đường thủy còn quá chênh lệch so với đường bộ

(PLO)- PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải, Trường Đại học Việt Đức nhận định hệ thống giao thông đường thủy hiện nay mới chỉ được đầu tư 5% so với đường bộ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại Hội nghị phát triển vận tải hành khách kết hợp với du lịch đường thủy trên địa bàn TP.HCM sáng ngày 14-12, TS Vũ Anh Tuấn cho rằng việc đầu tư hạ tầng đường thủy hiện nay có sự chênh lệch rất lớn so với đường bộ.

TS Tuấn cho rằng để phát triển giao thông đường thủy thì cần phát triển bền vững, giao thông đường thủy cũng phải có các sản phẩm phục vụ công cộng.

TP cần phát triển vận tải, du lịch đường thủy đa phương thức. Ảnh: ĐT.

TP cần phát triển vận tải, du lịch đường thủy đa phương thức. Ảnh: ĐT.

Đơn cử như ở Úc, giao thông công cộng được phát triển đa phương thức gồm: Buýt sông, đường bộ, đường sắt. Hiện nay, hầu hết các bến chờ đều tích hợp các loại hình giao thông công cộng khác và phát triển theo hình thức TOD (mô hình phát triển đô thị kết hợp với giao thông công cộng).

Để có thể phát triển hệ thống giao thông đường sông, buýt sông, TS Tuấn cho rằng TP cần tạo ra mạng lưới giao thông công cộng đa phương thức, tích hợp vào quy hoạch chung của TP. Từ đó, có thể triển khai mô hình đô thị hướng sông.

Không chỉ vậy, tàu hay phà phải di chuyển tốc độ cao, nhanh và có tần suất đủ lớn để hành khách không phải chờ đợi lâu. Bên cạnh đó, buýt sông phải thoái mái, có nhiều tuyến khác nhau cho người dân lựa chọn.

Đặc biệt, TP cần tính toán tới việc trợ giá cho các tuyến buýt sông ở TP trong tương lai để thu hút hành khách. Từ đó, hành khách sẽ sử dụng dịch vụ đường sông để di chuyển hàng ngày và coi đó như sản phẩm giao thông công cộng.

Ngoài ra, TP cần tính toán đến các sản phẩm khác như taxi đường thủy, phà ngang sông - đây là cơ hội để khai thác các dịch vụ phà ngang sông, phát triển du lịch.

Để làm được điều này, TP cần có cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển. Vì vậy, TP cần cung cấp thông tin rõ ràng, có thể phát triển app để người dân tiện theo dõi.

Cuối cùng, TP cũng cần sở hữu bờ sông, không gian mặt nước đẹp mắt thì mới thu hút được hành khách.

TS Tuấn đề xuất TP cần có tầm nhìn dài hơi hơn, tích hợp các sản phẩm đa phương thức như: Buýt sông, phà với nội thị, liên đô thị, các dịch vụ với các trung tâm kinh doanh, khu dân cư… TP cần làm sớm mới khai thác hiệu quả, mang tính đột phá.

Đối với những cây cầu không đảm bảo tĩnh không cầu cũng là thách thức rất lớn với giao thông đường thủy, đặc biệt là khu vực phía Đông TP. Tuy nhiên, khó khăn này có thể khắc phục được và khi triển khai tốt, TP có thể khai thác tiềm năng tối đa của các tuyến Rạch Chiếc - Trau Trảu và Sông Tắc.

"Ý tưởng và tiềm năng sẵn có nhưng cần có cơ chế và chính sách để triển khai các dịch vụ, sản phẩm du lịch này. Trước tiên, TP cần có khảo sát về quy hoạch và cơ chế đặc thù, thậm chí có thể phát phiếu lấy ý kiến để biết được người dân và du khách cần gì? Từ đó mới có thể cung cấp thứ người họ muốn.

Bên cạnh đó, cần tích hợp phát triển đô thị ven sông với đường thủy, xây dựng mô hình TOD trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM. Trong Đồ án quy hoạch cần phải đưa giao thông thuỷ vào đề án này.

Vấn đề nguồn vốn không khó, cái cần là phải có chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư. Vì vậy, bước đầu TP cần có chính sách miễn thuế cho nhà đầu tư và cho họ được hưởng chính sách về thuế và phí" - TS Vũ Anh Tuấn nhấn mạnh.

Chia sẻ khó khăn trong ngành vận tải đường thủy, ông Trần Song Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP (Greenline DP) cho biết đơn vị đang khai thác 9 tuyến du lịch liên tỉnh và quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay các tuyến vẫn còn thiếu bến bãi.

Đơn cử như tuyến Bạch Đằng - Địa đạo Củ Chi thu hút nhiều khách du lịch quan tâm, song đây là tuyến chạy thẳng, không có điểm dừng. Vì vậy, việc sớm đầu tư các bến bãi chất lượng cao, cơ sở hạ tầng hiện đại dọc tuyến thủy là phương án để thu hút người dân hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm