Chiến lược của Thủ tướng Boris Johnson để đưa Anh ra khỏi Liên minh châu Âu vào cuối tháng tới đã bị xáo trộn hôm 4-9 sau khi các nhà lập pháp bác bỏ yêu cầu của ông về một cuộc bầu cử sớm và phê chuẩn một dự luật nhằm ngăn chặn "Brexit không thỏa thuận", đài CNN đưa tin.
Trong một thất bại cay đắng thứ ba trong hai ngày liên tiếp, Hạ viện Anh đã bác bỏ yêu cầu của Thủ tướng về một cuộc bầu cử mới. Vài giờ trước đó, họ đã bỏ phiếu để "trói tay" ông Johnson và ngăn ông đưa nước Anh rời khỏi EU mà không có bất kỳ thỏa thuận nào.
Yêu cầu tổ chức Tổng tuyển cử sớm của ông Johnson bị bác bỏ. Ảnh: CNN
Từ chối yêu cầu của chính phủ về một cuộc bầu cử, lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn đã so sánh nó với "lời đề nghị của Nữ hoàng độc ác khi đưa một quả táo độc cho nàng Bạch Tuyết".
Mặc dù vậy, ông Johnson vẫn tuyên bố rằng ông Corbyn đang sợ hãi. "Tôi nghĩ rằng ông đã trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của phe đối lập trong lịch sử dân chủ của nước ta từ chối lời mời tham gia một cuộc bầu cử. Điều đó cho thấy ông ta đang sợ, sợ rằng sẽ không thắng được".
Thủ tướng Anh, trong khi tuyên bố công khai không ủng hộ một cuộc bầu cử, đã hy vọng một cuộc bỏ phiếu mới sẽ phá vỡ bế tắc đối với Brexit bằng cách trả lại cho ông quyền lực. Nhưng Hạ viện đã bác bỏ yêu cầu đó.
Chỉ có 298 nghị sĩ đã bỏ phiếu ủng hộ, trong khi 56 nhà lập pháp bỏ phiếu chống. Cần ít nhất 434 nhà lập pháp bỏ phiếu đồng ý bầu cử sớm thì việc này mới được thông qua.
Trước đó, Hạ viện Anh đã thông qua một bộ luật nhằm trì hoãn Brexit sau ngày 31-10 trong trường hợp không có thỏa thuận với EU với 327 phiếu thuận so với 299 phiếu chống. Hôm nay (5-9), dự luật ngăn chặn kịch bản Brexit không thoả thuận sẽ được chuyển lên Thượng viện Anh để xem xét bỏ phiếu.
Nội dung chính của dự luật này là yêu cầu chính phủ Anh đề nghị EU gia hạn Brexit đến ngày 31-01-2020 nếu từ nay đến Hội nghị Thượng đỉnh EU vào ngày 17-10-2019 mà không đạt được thoả thuận Brexit mới.
Việc dự luật này được bỏ phiếu thông qua đã được dự đoán từ trước sau khi trong tối 3-9, chính phủ Anh thất bại trong việc ngăn cản các nghị sĩ đồng ý tiến hành bỏ phiếu cho dự luật này, đồng thời chính phủ liên minh của đảng Bảo thủ cũng đã đánh mất thế đa số tại Hạ viện sau việc loại bỏ 21 nghị sĩ chống đối trong đảng.
Phát biểu ngay sau khi dự luật chống Brexit không thoả thuận được Hạ viện thông qua, Thủ tướng Johnson tuyên bố điều này đồng nghĩa với việc chấm dứt mọi đàm phán với EU và trao cho phía châu Âu quyền kiểm soát.
Ông Johnson cũng nêu lại yêu cầu tổ chức tuyển cử trước thời hạn vào ngày 15-10 và khẳng định nếu sau ngày đó ông vẫn là Thủ tướng Anh thì nước Anh sẽ rời EU vào ngày 31-10 trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, Hạ viện Anh đã bác bỏ yêu cầu của ông Boris Johnson về việc tổ chức tuyển cử sớm.
Kể từ khi nhậm chức, ông Johnson đã thúc đẩy Anh rút khỏi EU trước hạn chót ngày 31-10 ngay cả khi không có thỏa thuận. Trước đó, Brexit vốn được lên kế hoạch xảy ra vào ngày 29-3, hai năm sau khi Theresa May kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, cơ chế quy định cách quốc gia thành viên rời khỏi khối. Nhưng thời hạn này đã bị trì hoãn nhiều lần, một phần vì quốc hội Anh ba lần bác bỏ thỏa thuận mà chính quyền của bà May thống nhất với EU.