Trong chuyến thăm bốn quốc gia tạo thành Vương quốc Liên hiệp Anh gồm: Anh, Bắc Ireland, Scotland và xứ Wales hồi đầu tuần này, Thủ tướng Johnson đã phải đối mặt với sự phản đối quyết liệt của những người biểu tình về cách tiếp cận của mình đối với Brexit. Trên thực tế, ông đã nói rằng có thể để vương quốc Anh rời khỏi EU vào ngày 31 tháng 10 mà không cần thỏa thuận.
Ở Scotland, ông bị những người thân EU và ủng hộ Scotland độc lập phản đối. Nicola Sturgeon, Thủ hiến Scotland và lãnh đạo Đảng Quốc gia Scotland độc lập, nói với truyền thông địa phương rằng Johnson không có "can đảm" để đối mặt với người Scotland trong chuyến thăm của mình.
Ở xứ Wales, ông bị chỉ trích vì không có kế hoạch ngăn chặn những hậu quả nặng nề của Brexit trong trường hợp không có thỏa thuận, đặc biệt là đối với nông dân xứ Wales. Mark Drakefield, Thủ hiến xứ Wales, nói rằng Johnson “không quan tâm đủ đến chi tiết”.
Và ở Bắc Ireland, Johnson được chào đón bởi những người biểu tình giơ cao khẩu hiệu "Brexit có nghĩa là biên giới”. Nước này là nơi phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng nhất trong tình huống Brexit không thỏa thuận, do liên quan đến vấn đề biên giới với Cộng hòa Ireland sẽ được dựng lên và cả viễn cảnh đen tối của thời bạo lực giáo phái.
Ngoài ra, vị tân thủ tướng dường như không hiểu được lịch sử đẫm máu kéo dài hàng thập kỷ, với hơn 3000 người chết trong con đường tiến đến hòa bình của Bắc Ireland, và điều này càng khiến ông mất điểm đối với người dân ở đây.
Ông Johnson đang cược chiếc ghế thủ tướng của mình cho hai vấn đề: tiến hành Brexit dù ở trong bất cứ tình huống nào và đoàn kết đất nước của mình.
Bảo vệ sự thống nhất của Liên hiệp Anh là điều tối quan trọng đối với đảng mà Johnson hiện đang lãnh đạo. Tuy nhiên, cử tri Liên hiệp Anh dường như không còn mặn mà với điều này, đặc biệt là sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit.
Những người biểu tình ở Belfast. Ảnh: PA Wire
Ông Rob Ford, giáo sư chính trị tại Đại học Manchester, nói: "Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu các nhà sử học xem Brexit không có thỏa thuận chính là sự kiện gây sụp đổ Liên hiệp Vương quốc Anh".
Ông Ford giải thích rằng sự hỗ trợ Brexit mạnh mẽ nhất đến từ các cử tri của nước Anh, những người không quan tâm nhiều đến Liên minh và Brexit đồng nghĩa với Nước Anh trên hết. Anh cũng là nước đông dân nhất và có sức mạnh nhất trong 4 nước.
Ở Bắc Ireland, tình hình rất khác. Sự ủng hộ Brexit mạnh mẽ nhất ở đây đến từ những người ủng hộ Liên hiệp Anh, những người xem việc độc lập khỏi Vương quốc Anh là không thể chấp nhận.
Ngược lại với nhóm này là những người ủng hộ chủ nghĩa cộng hòa Ireland với mong muốn không có biên giới giữa Bắc Ireland và nước Cộng hòa Ireland. Thậm chí có một số còn mon muốn được thấy hai quốc gia này sát nhập.
Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, trong bối cảnh Brexit, những người Ireland vẫn ủng hộ một Ireland thống nhất, trong khi những người có thiên hướng Anh cũng dần chống đối một Liên hiệp Anh. Và càng ngày người ta càng cảm thấy phong trào Ireland thống nhất chính là hậu quả tất yếu của một Brexit không có thỏa thuận.
Tại Scotland, "sự phản đối độc lập hiện đi cùng với với sự ủng hộ Brexit”. Scotland đã có một cuộc trưng cầu dân ý về việc độc lập khỏi Liên hiệp Anh vào năm 2014, với tỷ lệ 55% phản đối và 45% ủng hộ. Sau đó Brexit xảy ra.
Và khi mà 62% người Scotland đã bỏ phiếu ở lại EU còn Đảng Bảo thủ của Johnson lại đang hướng theo một hình thức Brexit “cứng” nhất, những người theo chủ nghĩa dân tộc Scotland đang cảm thấy lạc quan về cuộc bỏ phiếu độc lập lần thứ hai.
Nữ hoàng Elizabeth II chào đón ông Vladimir Johnson, thủ tướng mới của Vương quốc Anh, người sẽ giám sát Brexit. Ảnh: Reuters
Tình hình ở xứ Wales thì hơi khác. Nước này bỏ phiếu rời khỏi EU và không có phong trào độc lập mạnh mẽ. Nhưng người dân Wales không thích Đảng Bảo thủ và ghét những lập luận về một Brexit không thỏa thuận của Johnson.
Rất khó để vị tân thủ tướng có thể làm hài lòng cả 4 quốc gia, ít nhất là trước khi Brexit được tiến hành. Nếu bất ngờ một cuộc bầu cử được tiến hành – điều mà các nhà quan sát đang mong đợi, và những cử tri người Anh cũng chẳng quan tâm đến việc duy trì một Liên hiệp Anh, thì những quốc gia nhỏ hơn còn lại trong khối cũng có thể sẽ quyết định không quay trở lại.