Lời nhận xét “Donald Trump nước Anh” mà báo chí dành cho ông Boris là không hề vô cớ khi từ diện mạo cho đến các rắc rối trong đời sống và công việc như bế bối ngoại tình và những lời phát biểu “hớ hênh” giữa hai nguyên thủ cũng giống nhau đến lạ thường.
Tuy nhiên, theo hãng thông tấn NPR, chính tư tưởng dân túy cực độ của tân Thủ tướng Anh khi đề cao việc kiểm soát nhập cư và khôi phục vị thế của đất nước trong các vấn đề quan trọng trên thế giới mới là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của biệt danh trên.
Con đường trở thành những người đàn ông quyền lực nhất đất nước của ông Trump và ông Boris cho thấy rất rõ cục diện chính trị ở phương Tây trong những năm gần đây.
Vào năm 2016, Anh và Mỹ dường như đã sẵn sàng cho một cơn địa chấn chính trị khi các cử tri chủ chốt ở cả hai quốc gia bày tỏ sự thất vọng với những gì đang diễn ra trên chính trường và lo sợ các tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa sẽ thay đổi cộng đồng mình sinh sống.
Bên cạnh đó, hệ quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 cũng có tác động lớn đến chiếc ghế lãnh đạo ở Anh và Mỹ. Mặc dù nền kinh tế Washington đã khôi phục, nhưng nhiều công dân còn gặp nhiều khó khăn sau sự suy thoái. Trong khi ở Anh, các chương trình và dịch vụ hỗ trợ cho người dân dần bị cắt giảm.
Tân Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson (trái) bắt tay Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp của Liên Hiệp Quốc vào năm 2017. Ảnh: The Telegraph
Trước tình thế đó, ông Boris và ông Trump đều đã nắm bắt tốt thời cơ. Trong khi Tổng thống Mỹ cam kết xây tường ngăn chặn người nhập cư từ Mexico, thì cựu Ngoại trưởng Anh hứa sẽ giành lại quyền kiểm soát biên giới bằng cách ủng hộ chiến dịch Brexit vì cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và trở thành “cửa sau” cho những người tị nạn Syria vào Vương quốc Anh.
Tương tự như ông Trump, cựu nhà báo của tờ Daily Telegraph cũng không hài lòng trước những thay đổi của xã hội Anh. Cụ thể, ông thường dành những lời lẽ tốt đẹp cho người gốc da trắng, nhưng lại tỏ rõ thái độ với cộng đồng thiểu số và nhóm người theo chủ nghĩa tự do.
Trong chuyên mục của mình ở tờ báo trên vào năm 2017, ông Boris viết rằng phụ nữ mặc burqa (loại trang phục trùm kín từ đầu đến chân, chỉ hở hai mắt của người Hồi) trông giống như “hộp thư hoặc kẻ cướp ngân hàng”.
Theo giáo sư của Đại học Essex Paul Whiteley, lời nhận xét của ông chiếm được sự đồng cảm của một bộ phần người Anh bởi vì tình trạng nhập cư từ Đông Âu đã ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ công cộng và chăm sóc y tế tại đây.
Không những vậy, ông Boris cũng cam kết sẽ đưa đất nước trở về thời kỳ vẻ vang trước đây, giống như khẩu hiệu mà ông Trump đề ra trong chiến dịch tranh cử của mình “Make American Great Again” (Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại).
Nhiều người ủng hộ Brexit cho rằng thời hoàng kim của Anh là thời điểm quốc gia này đánh bại sự bành trướng của Đức Quốc Xã, hay thậm chí xa hơn, khi Đế Quốc Anh còn là một thế lực thống trị trên thế giới.
Nắm bắt được tâm lý trên, trong bài phát biểu vào năm 2016, ông đã trích dẫn câu nói của cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill về việc “đế quốc tương lai là đế quốc của trí tuệ” để tạo sức thuyết phục cho viễn cảnh “Anh trở thành cường quốc quyền lực mềm” mà ông vẽ ra, với Brexit là con đường để thực hiện hóa mục tiêu đó.
Với tất cả những điểm trên, thế giới hoàn toàn có thể chuẩn bị tinh thần trước những biến động chính trị có thể sâu sắc hơn chính trường chính thức chào đón một nhà lãnh đạo dân túy mới mang dáng dân của Tống thống Mỹ Donald Trump.