Thời niên thiếu dữ dội của 'phiên bản Donald Trump ở nước Anh'

Theo đài BCC, hôm nay 24-7, ông Boris Johnson chính thức trở thành tân lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền, đồng nghĩa với việc trở thành người kế nhiệm Cựu Thủ tướng Anh Theresa May.

Ông là chính trị gia người Anh với gốc gác “đa quốc gia” nhất khi mang trong mình dòng máu Thổ Nhĩ Kỳ, được sinh ra trong một gia đình khá giả ở New York (Mỹ), và trải qua thời thơ ấu tại Brussels (Bỉ) khi cha ông trở thành một quan chức của Uỷ ban Châu Âu.

Mặc dù Cựu ngoại trưởng Anh trong mắt công chúng là một người có ngoại hình nhếch nhác, tác phong thiếu chuyên nghiệp, tính cách có phần lập dị, kèm theo các vụ bê bối ngoại tình trong đời sống cá nhân, nhưng không phải ngẫu nhiên mà bà Theresa May, theo kênh DW, cho rằng “thật nguy hiểm khi coi ông Boris Johnson như một gã hề”.

Tân Thủ tướng Vương quốc Anh - ông Boris Johnson. Ảnh: BBC

Con đường học vấn danh giá và sự nghiệp làm báo đầy tranh cãi

Người đàn ông với mái tóc vàng, được mệnh danh là “Donald Trump của Anh”, có tên họ đầy đủ là Christened Alexander Boris de Pfeffel Johnson.

Thuở nhỏ, ông học tại trường Cao đẳng Eton, ngôi trường nội trú danh giá dành cho nam sinh, nơi đã đào tạo ra các thế hệ thủ tướng Anh. Sau đó, ông Johnson tiếp tục theo ngành văn học cổ điển tại Đại học Oxford và có thể nói cả tiếng Pháp và tiếng Ý.

Sau khi tốt nghiệp, ông bắt đầu làm việc cho tờ Thời báo Luân đôn (London’s The Times). Tuy nhiên, cựu ngoại trưởng Anh đã bị sa thải do chế lời trích dẫn của một giáo sư đại học Oxford, người tình cờ cũng là cha đỡ đầu của ông.

Vài năm sau, ông được bổ nhiệm làm phóng viên tại Brussels cho tờ Daily Telegraph. Nhận thấy được xu hướng ”sính Âu” của hầu hết các ngòi bút tại đây, ông quyết tâm khẳng định tên tuổi của mình bằng việc thúc đẩy phong trào báo chí chống lại châu Âu.

Trong một bài viết gây sốt cho tạp chí New Statesman năm 2017, cựu biên tập viên nước ngoài của tờ Thời báo (The Times), ông Martin Fletcher đã viết rằng chính tư tưởng truyền bá chủ nghĩa hoài nghi châu Âu và "vạch trần bộ mặt của EU mỗi khi có cơ hội" đã đặt cái tên Boris Johnson lên bản đồ báo chí và “thay đổi lịch sử hiện đại của nước Anh”.

Sau khi trở về London, ông nhanh chóng được bổ nhiệm làm trưởng ban chính trị của tờ Telegraph, kiêm luôn chức Tổng Biên tập tờ Spectator, và trở lại quốc hội với tư cách là Hạ nghị sĩ cho thị trấn Henley-on-Thames ở Oxfordshire.

Tuy nhiên, theo tờ The Guardian, mối tình vụng trộm 4 năm với một đồng nghiệp nữ và khiến cô hai lần mang thai là một “vết nhơ” rất lớn trong sự nghiệp đang thăng hoa của ông, dẫn đến việc ông bị sa thải khỏi nội các của đảng Bảo Thủ.

Ông Boris từng có thời gian làm Tổng biên tập tờ Spectator. Ảnh: Financial Times

Sự hắt hủi của cựu Thủ tướng David Cameron

Cựu Thủ tướng Anh David Cameron, sau khi đắc cử trong cuộc bầu cử lãnh đạo đảng Tory (tên gọi khác của đảng Bảo Thủ) vào năm 2005, đã không tái bổ nhiệm ông Johnson vào đội ngũ của mình. Nguyên nhân là do ông đã bị các đồng nghiệp phát biểu những lời lẽ không tốt trong một cuộc họp của đảng Bảo Thủ.

Năm 2008, trong giai đoạn tuyệt vọng với nghề làm báo, cũng như đã mất cơ hội tham gia vào nội các của đảng Tory, ông Boris quyết định giành lấy chiếc ghế thị trưởng thành phố London.

Với sự hỗ trợ của chiến lược gia bầu cử người Úc, ông Lynton Crosby, người đã từng giúp đỡ Thủ tướng Anh đương nhiệm khi đó là David Cameron, ông đánh bại một ứng viên của đảng Lao động và trở thành thị trưởng mới của London.

Bằng cá tính và tham vọng chính trị, ông đã tái đắc cử chức thị trưởng London vào năm 2012, làm tiền đề củng cố vị trí của mình trong đảng Tory và nhanh chóng thể hiện tài năng lãnh đạo.

Brexit – bước nhảy của sự nghiệp

Cựu thị trưởng London chính là người đã đi khắp đất nước trên chiếc xe buýt màu đỏ với khẩu hiệu “Vote Leave” (Hãy bỏ phiếu để Anh rời khỏi EU) nhằm vận động, tuyên truyền về các lợi ích mà người dân nhận được nếu quốc gia này tách ra khỏi Liên minh châu Âu.

Chiếc xe buýt màu đỏ với khẩu hiệu "Vote Leave". Ảnh: BBC

Sự từ chức sau đó của ông Cameron đã mở ra cơ hội để ông trở thành Thủ tướng Anh khi mà bà Theresa May không còn chiếm được lòng tin của nhân dân.

Mặc dù không thể hiện gì nhiều với tư cách là Ngoại trưởng Anh trong vòng 2 năm và nhận hàng loạt chỉ trích vì sự chia rẽ mà ông gây ra cho chính trường nước này, cụ thể liên quan đến vấn đề Brexit, quyết định tranh cử chức Thủ tướng của ông vẫn được các bên chấp nhận.

Chiến lược gia chính trị của đảng Lao động John McTernan cho rằng: “Khi đảng Bảo thủ bị áp đảo trong cuộc bầu cử ở châu Âu, nhiều nghị sĩ Tory sẽ xem ông Johnson là người duy nhất có thể cứu được ghế của họ”.

Vương quốc Anh có thủ tướng mới
Vương quốc Anh có thủ tướng mới
(PLO)- Cựu ngoại trưởng Boris Johnson vừa chính thức trở thành tân Thủ tướng Anh và sẽ tiếp quản vị trí của bà Theresa May vào ngày 24-7 sắp tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm