Với 301 phiếu thuận và 328 phiếu chống, Chính phủ của Thủ tướng Jonson đã bị đánh bại bởi các đảng đối lập và ngay cả các nhà lập pháp “chống đối” trong Đảng Bảo thủ của mình, theo Reuters.
Hãng tin Reuters nói rằng chiến thắng của các nhà lập pháp Anh trước Chính phủ được xem là cuộc chạy vượt rào đầu tiên, cho phép họ nắm quyền kiểm soát toàn bộ công việc của Quốc hội.
Thông tin cho hay trong ngày 4-9 các đảng đối lập sẽ tìm cách thông qua một đạo luật buộc Thủ tướng Johnson phải yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) trì hoãn Brexit (lần thứ ba) đến ngày 31-1-2020 nếu ông không có một thỏa thuận với các phê chuẩn về điều khoản và cách thức Brexit.
Ngoài ra, 21 nhà lập pháp “chống đối” trong đảng của ông Johnson hiện đang phải đối mặt với việc “bị khai trừ” khỏi đảng, trong đó có hai cựu bộ trưởng tài chính Anh, thông tin từ phát ngôn viên Đảng Bảo thủ cho biết.
“Tôi không muốn bầu cử, nhưng nếu các nghị sĩ bỏ phiếu vào ngày 4-9 để ngừng đàm phán và trì hoãn Brexit (có thể kéo dài trong nhiều năm) thì đó sẽ là cách duy nhất để giải quyết vấn đề này”, Thủ tướng Johnson phát biểu trước quốc hội sau cuộc bỏ phiếu.
Thủ tướng Boris Johnson phát biểu trước Hạ viện Anh sau thất bại cuộc bỏ phiếu Brexit không thỏa thuận ngày 3-9. Ảnh: REUTERS
Ngay sau đó, ông Johnson khẳng định sẽ tìm cách vận động cho một cuộc tổng tuyển cử vào ngày 14-10 tới.
Hãng tin Sputnik dẫn Đạo luật Nghị viện có thời hạn cố định của nước Anh, thủ tướng cần có 2/3 đa số trong Nghị viện nếu ông muốn tiến hành một cuộc bầu cử trước năm 2022.
Tuy nhiên, không rõ liệu Công đảng Anh có ủng hộ Tổng tuyển cử hay không dù trước đó lãnh đạo đảng này Jereny Corbyn liên tục kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử.
“Không có một sự đồng ý nào trong Quốc hội để rời khỏi EU mà không có thỏa thuận”, lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn nói. “Cũng như không có sự ủng hộ lớn đối với Brexit không có thỏa thuận trên toàn nước Anh”.
Lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn nói rằng không có sự ủng hộ đối với Brexit mà không thỏa thuận. Ảnh: REUTERS
Ông Corbyn nói rằng sẽ đồng ý với một cuộc tổng tuyển cử với điều kiện Hạ viện Anh thông qua một đề nghị không đề cập đến Brexit không thỏa thuận, theo Sputnik.
Có tin đồn sau cuộc bỏ phiếu ngày 3-9 rằng những thành viên “chống đối” của Đảng Bảo thủ sẽ được trao cơ hội "ở lại" nếu họ bỏ phiếu chống lại “đề nghị Brexit không thỏa thuận” vào ngày 4-9.
Những người biểu tình chống Brexit giương cao các biểu ngữ bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ngày 3-9. Ảnh: REUTERS
Trong một diễn biến khác, Ủy ban châu Âu dự kiến ngày 4-9 sẽ đưa ra các đề xuất nhằm cung cấp những hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp, công nhân và nông dân EU nếu nước Anh "ra đi" mà không có thỏa thuận.
Theo Reuters, bản đề xuất đưa ra quan điểm rằng "cuộc ly hôn không thỏa thuận" sẽ khiến nền kinh tế Anh gặp khó khăn hơn nhiều so với EU. Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) nói rằng nước Anh sẽ tiêu tốn thêm ít nhất 16 tỉ USD vì mất xuất khẩu vào EU, cộng với một khoản chi phí đáng kể gián tiếp.