Trong một con hẻm nhỏ ở ấp 2, xã Long An, huyện Long Thành, Đồng Nai có một mái nhà được lập nên dành riêng cho các bé mồ côi. Đó là Mái ấm tình thương Phúc Lâm - nơi đang nuôi dưỡng và chăm sóc 44 đứa bé thiếu tình thương yêu của cha mẹ nhưng được bao bọc, che chở của hai người cha còn rất trẻ.
Bị bỏ rơi ngoài đường, vứt thùng rác
Nghe tiếng ô tô quen thuộc, biết hai cha Nguyễn Văn Lâm và Nguyễn Văn Phúc đã đi làm về, những đứa trẻ vui mừng cất tiếng gọi “cha về, cha về” rồi chạy ùa ra đón. Đứa xách giỏ, đứa nắm tay, đứa ôm lấy cha, đứa hỏi han đủ thứ như bầy ong vỡ tổ.
Ôm các bé vào lòng, anh Lâm cười bảo: “Công việc mệt mỏi nhưng mỗi khi trở về nhà, được quây quần bên các con, mọi thứ như tan biến, hạnh phúc đôi khi chỉ đơn giản vậy thôi”.
Kể về những ngày bén duyên với các bé mồ côi, anh Lâm cho biết vào năm 2009, trong một lần đi làm về ngang qua xã Vũ Hội, huyện Nhơn Trạch, anh thấy có một đám đông đứng bàn tán. Tò mò, anh dừng xe xuống xem, hóa ra có một đứa bé bị bỏ rơi trong thùng rác, kiến bu đầy người. Thương bé, anh vội gửi xe ở nhà dân ven đường, bắt taxi đưa bé lên BV Nhi đồng Đồng Nai khám. Sau đó, anh trở về địa phương làm thủ tục nhận nuôi bé và đặt tên là Nguyễn Hoàng Phương Vy. “Ôm con thân hình lạnh ngắt, còn chưa cắt rốn, toàn thân đầy vết thương do bị kiến cắn, tôi chỉ sợ con sẽ chết. Nhưng thật may mắn, khi đưa tới bệnh viện bé đã được cứu sống và giờ đây con đã là một bé gái xinh xắn, đáng yêu, đang học lớp 2” - anh Lâm bồi hồi nhớ lại khoảnh khắc khiến mình quyết định gắn bó đời mình với việc chăm lo cho các bé bị bỏ rơi.
Anh Phúc tiếp lời có lần đi làm về anh thấy con chó tha cái bịch đen có hở ra cái đầu. Đuổi tới gần, anh sững người vì đó là một em bé sơ sinh, còn chưa rụng rốn. “Tôi liền đưa bé về tắm rửa, chăm sóc. Giờ đây con đã biết cười, biết nắm lấy bàn tay tôi và đã có thể gọi những tiếng cha thân thương. Nhưng điều khiến tôi lo lắng là thị lực của bé hơi yếu, cần sự can thiệp của y học” - anh Phúc tâm sự.
Cha Nguyễn Văn Lâm (trên) trò chuyện cùng bé và cha Nguyễn Văn Phúc hướng dẫn cho một bảo mẫu cách bế trẻ sơ sinh. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Hạnh phúc khi được làm cha của hơn 40 đứa trẻ
Đáng nhớ nhất đối với anh Lâm là khi anh nhặt bé Nguyễn Hoàng Phúc Nhân (nay đã hơn 11 tháng tuổi) về mái ấm. Tháng 8-2016, khi đi làm về gần tới nhà, thấy trong bụi chuối có chiếc giỏ, tới gần anh thấy đứa trẻ bị dị tật, miệng và mũi là một, hai con mắt chỉ là cục thịt. “Nhìn thấy con ai cũng sợ nhưng tôi nguyện bằng tình thương và sức lực của mình, tôi sẽ nuôi và tìm mọi cách chữa trị để con có được khuôn mặt như những người bình thường. Bé vừa đi phẫu thuật tái tạo lại mũi và sẽ còn nhiều cuộc phẫu thuật trong những thời gian tới” - anh Lâm ôm Nhân và nói.
Cũng theo anh Lâm, lúc đầu còn ít bé, hai anh em tự chăm. Dần dà đàn con mỗi ngày một đông, anh phải thuê sáu cô bảo mẫu để chăm lo cho các con. “Cực nhất mỗi lần con bị bệnh, cứ một đứa bị sổ mũi là cả nhà lây nhau. Do con đông nên chúng tôi phải đưa con đi khám tư, mỗi lần đi khám phải chở bằng ô tô” - anh Lâm nói.
Mỗi ngày của hai người cha bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng và kết thúc vào lúc 24 giờ đêm. Sáng dậy đi chợ, chuẩn bị đồ ăn sáng, đưa các con tới trường rồi đến công ty. Ngoài việc kinh doanh Công ty Bảo vệ Sài Gòn - Long Hải với công ty tổ chức sự kiện, buổi tối hai anh còn bán thêm cà phê. “Hiện giờ, chi tiêu mỗi tháng lên đến hơn trăm triệu gồm tiền sữa, bỉm, tiền ăn, tiền bảo mẫu, tiền học… Dù không sinh ra các bé nhưng khi đã nhận nuôi, chúng tôi xem như con và sẽ có trách nhiệm đến cùng, lo các cháu ăn học tử tế” - anh Lâm cho biết.
Mái ấm tình thương Phúc Lâm đã được chính quyền địa phương cấp phép hoạt động gần hai năm nay. Họ thực sự là những người có tấm lòng nhân ái. Qua kiểm tra cho thấy mái ấm có đủ điều kiện về tài chính cũng như cơ sở vật chất để nuôi dạy trẻ. Chính quyền địa phương luôn tạo những điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý để mái ấm nhận nuôi các bé bị bỏ rơi về chăm sóc. Ông LÊ CÔNG THANH, Phó Chủ tịch xã Long An, ________________________ Mái ấm của các anh đang nuôi dạy 44 trẻ, trong đó có 19 bé dưới hai tuổi và 25 bé trên hai tuổi, có nhiều bé đang theo học lớp 1, 2. Nhà ở cạnh bên, khi rảnh lại qua thăm mái ấm, chị Nguyễn Thị Hạnh cho biết: “Thấy thằng Lâm và Phúc ngày đêm đi làm nuôi 40 đứa nhỏ và nhiều đứa được cho ăn học đàng hoàng ai cũng khâm phục. Chứng kiến từ cái ngày tụi nó đem đứa nhỏ đầu tiên về nuôi cho đến hôm nay, tôi thấy mến tấm lòng nhân ái của hai đứa”. |