Đó là nhận định chung của GS Akikazu Hashimoto ở Viện Đào tạo sau đại học về nghiên cứu chính sách (Nhật), Giám đốc Chương trình chính sách đối ngoại ở Viện Brookings (Mỹ) Michael O’Hanlon và TS Ngô Tâm Bá, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ thuộc ĐH Phúc Đán (Trung Quốc).
Trong bài viết đứng tên chung đăng trên báo Los Angeles Timescủa Mỹ ngày 1-12 (giờ địa phương), ba chuyên gia nhận định Nhật và Trung Quốc cần nhất trí một giải pháp vừa bảo đảm tôn trọng lợi ích cốt lõi của mỗi bên vừa thỏa mãn các yêu cầu không nhân nhượng đối với quần đảo này.
Để đạt được giải pháp trên, ba chuyên gia đã nêu hai đề xuất (có thể chọn một trong hai).
Đề xuất thứ nhất là tạm đóng băng vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Điều này có nghĩa là hai nước nhất trí không phản đối tuyên bố chủ quyền của mỗi bên về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Động thái này sẽ tạo điều kiện để quan hệ Nhật-Trung trở lại trạng thái yên bình hơn và từ đó, các ý tưởng mới về cách thức chia sẻ chủ quyền vĩnh viễn ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có thể sẽ xuất hiện.
Đề xuất thứ hai mang tính lâu dài hơn với sáu điểm chính:
- Hai nước nhất trí không phản đối quyền của mỗi nước về duy trì tuyên bố chủ quyền đầy đủ đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
- Trung Quốc chấp nhận Nhật sẽ tiếp tục quản lý hành chính đối với Senkaku/Điếu Ngư. Điều này đòi hỏi Bắc Kinh phải nhượng bộ Nhật.
- Nhật chấp nhận thành lập một ủy ban giám sát Nhật-Trung để đưa ra các quyết định về sử dụng Senkaku/Điếu Ngư. Ủy ban này có số lượng thành viên Nhật và Trung Quốc ngang nhau. Chức chủ tịch sẽ do hai nước luân phiên nắm giữ. Như vậy Tokyo sẽ phải nhượng bộ Trung Quốc. Senkaku/Điếu Ngư chỉ được phục vụ cho các mục đích phi quân sự như du lịch sinh thái.
- Chấm dứt tuần tra đơn phương bằng tàu và máy bay xung quanh Senkaku/Điếu Ngư. Thay vào đó, Trung Quốc và Nhật sẽ cùng phối hợp tuần tra trong vùng lãnh hải (22 km) sát quần đảo này.
- Hai nước nhất trí tranh chấp về các quyền liên quan đến biển và tài nguyên tại khu vực Tây Thái Bình Dương mở rộng sẽ không bị tác động bởi bất cứ tuyên bố chủ quyền nào đối với Senkaku/Điếu Ngư.
- Hai nước nhất trí không mở ra bất cứ tranh chấp chủ quyền mới nào đối với các đảo khác ở Tây Thái Bình Dương.
Ba chuyên gia cho rằng hai đề xuất kể trên có thể thực hiện được vì đòi hỏi Trung Quốc và Nhật cùng nhượng bộ nhưng vẫn giữ được các yêu cầu cơ bản của mỗi bên đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ít ra hai nước cũng có thể thực hiện đề xuất đóng băng vấn đề tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
LÊ LINH