Theo ghi nhận, cầu Rạch Miễu hiện hữu bắc qua sông Tiền trên tuyến quốc lộ 60 (nối tỉnh Bến Tre và Tiền Giang) được đưa vào sử dụng năm 2009 đến nay cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại, lưu thông hàng hóa, giao lưu kinh tế của tỉnh Bến Tre và các tỉnh lân cận.
Lo ngại khi qua cầu hẹp
Tuy nhiên, khoảng hai năm trở lại đây, giao thông trên cầu Rạch Miễu quá tải. Lưu lượng phương tiện qua lại đông, cầu nhỏ hẹp nên thường xảy ra tai nạn. Còn vào những dịp lễ, Tết thì cây cầu huyết mạch trên tuyến quốc lộ 60 này cũng thường xuyên bị “tê liệt” nhiều giờ liền.
Anh Võ Thành Hiếu, ở cồn Thới Sơn, Tiền Giang, cho biết: “Hằng ngày tôi thường đưa rước con đi học qua lại cầu Rạch Miễu. Trên cầu, xe lớn nhỏ qua lại rất đông khiến tôi lúc nào cũng nơm nớp lo xảy ra tai nạn”.
Bà Nguyễn Thị Mai (61 tuổi, người dân ở cồn Thới Sơn, Tiền Giang) có nhà dưới chân cầu Rạch Miễu cho biết khi cầu Rạch Miễu đi vào hoạt động tới nay, bà chứng kiến không biết bao nhiêu vụ tai nạn đau lòng xảy ra ngay trên cầu. Khoảng hai năm trở lại đây thì số vụ tai nạn xảy ra nhiều hơn.
Tương tự, nhiều tài xế phản ánh cầu Rạch Miễu đang rất bó hẹp, không còn đáp ứng được lưu lượng giao thông mỗi ngày một tăng. Vào những lúc cao điểm, giao thông trên cầu bị kẹt cứng, muốn qua lại cầu phải nhích từng chút một rất khổ sở và mất rất nhiều thời gian mới qua được do xe quá đông.
Thời gian qua, hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang đã đưa ra nhiều giải pháp, thậm chí có lúc khảo sát để phục hồi bến phà cũ nhằm giảm tải cho cầu Rạch Miễu nhưng vẫn chưa thực hiện được.
Vào những dịp lễ, Tết, cầu Rạch Miễu thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông. Ảnh: ĐH
Sơ đồ các phương án xây cầu Rạch Miễu 2. Đồ họa: HỒ TRANG
Vẫn khó nguồn vốn
Trước những bức xúc này, tỉnh Bến Tre đã xin chủ trương và được Thủ tướng đồng ý cho xây cầu Rạch Miễu 2.
Quá trình nghiên cứu, tỉnh Bến Tre đã làm việc với ngành chức năng Bộ GTVT và đưa ra hai phương án để xây cầu Rạch Miễu 2. Phương án 1, cầu mới sẽ được xây cạnh cầu Rạch Miễu hiện hữu, mặt cầu rộng 12 m, tổng mức đầu tư gần 2.768 tỉ đồng.
Phương án 2, cầu mới cách cầu Rạch Miễu hiện hữu khoảng 3,3 km về phía thượng lưu, tổng mức đầu tư 4.702 tỉ đồng. Theo đó, lãnh đạo tỉnh Bến Tre đề xuất chọn phương án 2. Bởi lợi thế của phương án này là sẽ phân theo hai trục giao thông khác nhau, tránh được dòng lưu lượng phương tiện đổ về TP Mỹ Tho (Tiền Giang) và sẽ đáp ứng được nhu cầu giải quyết ùn tắc giao thông về lâu dài trên tuyến quốc lộ 60.
Mặt khác, theo dự báo của cơ quan chức năng, sắp tới khi công trình cầu Đại Ngãi nối tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Trà Vinh hoàn thành thì tuyến quốc lộ 60 được hoàn chỉnh. Khi đó lưu lượng vận tải trên tuyến sẽ tiếp tục tăng nhanh, gây ùn tắc giao thông. Việc xây cầu Rạch Miễu 2 theo phương án 2 sẽ góp phần giải quyết được vấn nạn này.
Theo tìm hiểu, được biết cầu Rạch Miễu 2 đã được Bộ GTVT và Chính phủ quan tâm cho chủ trương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư theo hình thức xã hội hóa.
Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết do nguồn chi phí đầu tư cầu Rạch Miễu 2 khá lớn dẫn đến thời gian hoàn vốn kéo dài nên vấn đề nan giải hiện nay là tỉnh khó tìm nhà đầu tư. Ngoài ra, theo nghiên cứu của các chuyên gia thì tính khả thi đầu tư xây cầu Rạch Miễu 2 bằng hình thức xã hội hóa là không cao do dự án nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới bốn đoạn tuyến quốc lộ 60 cũng đang được đầu tư theo hình thức BOT.
Tìm nguồn vốn ODA xây cầu Rạch Miễu 2 Mới đây, UBND tỉnh Bến Tre có công văn kiến nghị gửi Thủ tướng xem xét cho phép nghiên cứu tìm nguồn vốn ODA hoặc các nguồn vốn ưu đãi khác hỗ trợ tỉnh Bến Tre và Tiền Giang sớm đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2. Việc xây cầu mới nhằm đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt, góp phần hoàn chỉnh, nâng cao năng lực vận chuyển của tuyến hành lang ven biển phía Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh phía Đông khu vực ĐBSCL. |