Hầm Hải Vân xuất hiện nhiều vết nứt

Từ khi được bàn giao vận hành, khai thác hầm Hải Vân 1 tháng 1-2016, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết có tất cả tám vết nứt lớn trên nóc hầm. Hiện tại Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đang đục mở rộng hầm lánh nạn hiện hữu thành hầm Hải Vân 2 chạy song song, dài 6,3 km với hầm chính. Việc nổ mìn hằng ngày để thi công hầm Hải Vân 2 khiến nhiều người lo lắng sẽ làm hầm Hải Vân 1 tiếp tục bị nứt.

Tám vết nứt lớn

Ngày 23-10, chúng tôi có mặt bên trong hầm Hải Vân 1 đúng thời điểm đơn vị thi công đang nổ mìn thi công hầm Hải Vân 2. Đứng ở vị trí cách miệng phía Nam hầm Hải Vân 1 gần 300 m, tiếng nổ mìn chát chúa vọng sang, nhiều thành viên Ban quản lý dự án mở rộng hầm Hải Vân giai đoạn 2 phải bịt tai tránh tiếng ồn. Lúc này xe cộ bị chặn lưu thông trong 30 phút.

Theo quan sát, hai bên thành hầm Hải Vân 1 xuất hiện hàng loạt vết nứt nẻ với độ to nhỏ, dài ngắn khác nhau. Các vết nứt làm bong tróc lớp sơn epoxy nham nhở. Muội than, khói bụi từ trong hầm bám vào các vết sơn bong tróc khiến vết nứt nhìn càng loang lổ hơn. Đặc biệt, trên nóc hầm có tám vết tô trét kéo dài nhiều mét do quá trình xử lý vết nứt để lại.

Theo ông Lê Quỳnh Mai, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, khi nhận bàn giao dự án, đơn vị đã khảo sát và thấy có tám vết nứt lớn trên nóc hầm. Các vết nứt này cần sửa chữa để tránh rủi ro về an toàn kết cấu. Đến tháng 12-2016, Công ty Đèo Cả hoàn thành việc sửa chữa trên, được Bộ GTVT và Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước nghiệm thu.

Ông Mai cho biết thêm đặc tính của phần vỏ hầm là không chịu lực. Đây là phần để lắp đặt thiết bị, tạo thẩm mỹ cho hầm. Ngoài ra, kết cấu này làm bằng bê tông thường nên không có khả năng chống nứt.

“Sau gần một năm thi công nổ mìn, đào mở rộng hầm Hải Vân 2 (phía Nam đào được khoảng 200 m, phía Bắc đào được khoảng 800 m - PV), chưa có bất kỳ vấn đề nào đối với các vết nứt hiện hữu trong hầm Hải Vân 1 và không có thêm vết nứt mới. Như vậy có thể khẳng định rằng biện pháp thi công đào mở rộng hiện nay cũng như hiện trạng kết cấu vỏ hầm Hải Vân 1 là đảm bảo an toàn cho việc sử dụng liên tục công trình này” - ông Mai khẳng định.

Hàng loạt vết nứt xuất hiện trong hầm Hải Vân từ năm 2014 làm bong tróc lớp sơn epoxy bên ngoài. Ảnh: TẤN VIỆT

Không thể chủ quan

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia đầu ngành về cầu-hầm (xin giấu tên) chỉ rõ ba nguyên nhân đang khiến hầm Hải Vân 1 nứt. Trước hết, công nghệ thi công trước đây chủ yếu dùng mìn nổ phá đá. Việc nổ mìn khiến đá vỡ ra nhưng không đều. Các lớp đá vỡ sau khi hoàn thành hầm sẽ đè lên nóc hầm, tạo áp lực làm nứt hầm. Ngoài ra, khi đúc vỏ hầm thì dùng kỹ thuật bơm vữa nhưng do đá vỡ không đều nên lớp vữa bơm vào không khít hết. Do vậy, khoảng trống trong địa chất phía trên hầm sụt lún chỉ là vấn đề thời gian. “Thời tiết khắc nghiệt cũng là nguyên nhân khiến bê tông co giãn mạnh hơn. Thực tế là thành phần bê tông đã không theo kịp ảnh hưởng thời tiết nên việc nứt hầm là khó tránh khỏi” - vị này nói.

Đây không phải là vết nứt kết cấu nên không ảnh hưởng kết cấu, độ an toàn của hầm Hải Vân 1. Về biện pháp xử lý, tùy thuộc vào việc tiếp tục quan trắc để xem có sự phát triển hay dịch chuyển vết nứt không, từ đó sẽ quyết định phương án khắc phục.

ÔngBECKETT, thành viên Liên doanh tư vấn giám sát dự án mở rộng hầm Hải Vân 2

TS Nguyễn Hồng Hải, Trưởng khoa Xây dựng cầu đường Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, cho biết với các vết nứt phải có đo đạc, quan trắc cụ thể. “Phương pháp thi công nổ phá đang áp dụng tại hầm Hải Vân 2 chỉ thuận lợi khi thi công hầm nổi, dùng trong TP. Còn với kết cấu núi đá thì phải nghiên cứu kỹ, đặc biệt là lượng thuốc nổ ở từng vị trí một” - TS Hải nói.

Cũng theo TS Hải, trước hết phải tìm được nguyên nhân gây nứt hầm, từ đó mới đề ra được giải pháp. “Quan trọng là vừa làm vừa quan trắc các kết cấu, lập tổ độc lập theo dõi thường xuyên chứ không thể chủ quan” - TS Hải nhấn mạnh.

Theo ông John Clifford Beckett (quốc tịch Anh), thành viên liên doanh tư vấn giám sát dự án mở rộng hầm Hải Vân 2, công tác thi công ngày xưa không ổn đã dẫn đến các vết nứt như bây giờ. “Theo đánh giá của tôi, các nguyên nhân dẫn đến vết nứt có thể do co giãn nhiệt, lún đàn hồi… và không liên quan đến công tác nổ mìn hiện tại. Trong quá trình đào nổ mìn hiện đang tiến hành thì tư vấn giám sát và chủ đầu tư đều yêu cầu nhà thầu liên tục quan trắc. Đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy quá trình nổ mìn ở hầm Hải Vân 2 ảnh hưởng đến vết nứt” - ông Beckett nói.

Rò rỉ nước ở vỏ hầm?

Mỗi ngày di chuyển qua lại hầm Hải Vân hai vòng, bà Hồ Ái Lan, chủ một doanh nghiệp vận tải tuyến Huế-Đà Nẵng, cho biết bà thường xuyên thấy nước rò rỉ ra từ các vết nứt. “Vết nứt ngày càng nhiều, nước rò rỉ ra nữa nên cả tài xế rồi hành khách đều chung nỗi lo lắng” - bà Lan nói.

Các chuyên gia lo ngại nếu thật sự có nước rò rỉ từ vết nứt thì tuổi thọ của cốt thép bên trong ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguyên nhân do nước ngầm từ núi Hải Vân chứa nhiều khoáng chất, khả năng ăn mòn kim loại cực kỳ lớn. Tuy vậy, ông Lê Quỳnh Mai khẳng định các quan sát đều chưa phát hiện có nước rò rỉ. Ông Mai cho rằng có thể do công tác rửa vỏ hầm vào rạng sáng mỗi ngày để lại lớp nước chưa khô trên bề mặt khiến nhiều người lầm tưởng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm