Đó là thông tin được ông Chu Minh Tộ - Trưởng ban Sổ thẻ (BHXH Việt Nam) thông tin tại hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT).
Theo ông Tộ, việc cầm số sổ BHXH ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động, người nhận sổ BHXH để cầm cố và cơ quan BHXH, doanh nghiệp có người tham gia BHXH.
Ông Tộ khẳng định, việc cầm cố sổ BHXH được thực hiện theo thỏa thuận dân sự giữa người có sổ BHXH và người cầm cố sổ BHXH. Tuy nhiên, nếu người lao động mang sổ BHXH đi cầm cố, sau đó đề nghị cơ quan BHXH cấp lại sổ BHXH do bị mất, hỏng thì không thuộc đối tượng được cấp lại sổ BHXH theo quy định.
Theo BHXH Việt Nam việc cầm sổ BHXH sẽ gây thiệt hại cho người lao động. Ảnh: VIẾT LONG
“Về mặt pháp luật, sổ BHXH không được cầm cố, nhưng đây là hiện tượng tự phát… Nên cơ quan BHXH sẽ không cấp lại sổ BHXH đối với trường hợp này…”, ông Tộ khẳng định.
Bên cạnh đó, người lao động mang sổ BHXH đi cầm cố, sau đó đề nghị cơ quan BHXH cấp lại sổ BHXH với lý do bị mất, hỏng, nếu cơ quan BHXH phát hiện thì người lao động sẽ bị phạt tiền từ 500.000 -1.000.000 đồng.
Đối với người, đơn vị nhận cầm cố sổ BHXH, ông Chu Minh Tộ cũng cảnh báo tình trạng rủi ro cao, vì pháp luật không quy định việc dùng sổ BHXH để lĩnh hộ lương hưu hay lĩnh BHXH một lần.
"Theo quy định, khi giải quyết hưởng BHXH một lần phải kiểm tra, đối chiếu các yếu tố về nhân thân, số sổ BHXH, dữ liệu về quá trình đóng BHXH của người lao động đảm bảo không giải quyết hưởng trùng. Khi cơ quan BHXH quyết chế độ BHXH cho người lao động phải căn cứ trên dữ liệu về quá trình đóng BHXH của người lao động trên phần mềm nên chỉ giải quyết chế độ 1 lần, không thể giải quyết trùng lần nữa", ông Tộ giải thích.