Phóng viên tập trung ở quảng trường Dealey ngay trước Lễ kỷ niệm 50 năm vụ ám sát Kennedy. Ảnh: Los Angeles Times
Theo Los Angeles Times, chỉ trong trưa hôm qua, hơn 1.000 người tập trung tại quảng trường trung tâm Dealey, nơi tổng thống Kennedy bị bắn vào ngày 22/11/1963. Mỗi ngày, nơi đây lại đón cả nghìn người tới thăm.
"Tôi chưa bao giờ thấy nhiều người tập trung tại đây đến như vậy", bà Gayle Newman, 72 tuổi, một nhân chứng trong vụ ám sát, cho biết. Bà cũng đưa cả gia đình đến quảng trường trung tâm để chứng kiến sự kiện lớn này.
Các cửa hàng bán đồ lưu niệm và sách về Kennedy và vụ ám sát thế kỷ. Có người cuốn quanh mình quốc kỳ Mỹ, thể hiện tình yêu nước. Tuy nhiên, cũng có những khách tham quan bày tỏ sự hoài nghi trước kết luận về cái chết của tổng thống. Họ căng biểu ngữ với dòng chữ "Đừng nói dối nữa".
Du khách nước ngoài đến Dallas những ngày này với nhiều tâm sự khác nhau. "Sẽ thật là không phải nếu nói chúng tôi cảm thấy rất hứng khởi khi đến đây, nhưng thật sự là vinh dự", cô Suzie Flood, một du khách Ireland 34 tuổi, chia sẻ. Cha cô từng tham gia phục vụ chuyến thăm Ireland của tổng thống Kennedy năm 1963.
Ông Zemin Yao, một người Canada gốc Hoa, cho biết: "Nước Mỹ đã sản sinh ra nhiều vị anh hùng. Kennedy chắc chắn là một trong số họ. Không chỉ nước Mỹ bị ông ấy cuốn hút, mà là cả thế giới".
Cơn sốt truyền thông
Truyền thông quốc tế cũng không bỏ lỡ sự kiện quan trọng này. Hãng tin Laurey Peat & Associates ở Dallas dẫn nguồn tin trong cơ quan điều phối chương trình kỷ niệm cho biết, có hơn 900 hãng truyền thông xin cấp thẻ tham gia sự kiện kỷ niệm hôm nay, trong khi số lượng thẻ được cấp ít hơn 600 chiếc.
"Có thể nói chúng tôi chìm trong yêu cầu của các hãng truyền thông trên toàn nước Mỹ và thế giới", Dallas News dẫn lời bà Carol Murray, người phát ngôn Bảo tàng Sixth Floor, chuyên trưng bày hiện vật liên quan đến cuộc đời và vụ ám sát Kennedy.
"Bao nhiêu phóng viên đã phỏng vấn bà ngày hôm nay?", phóng viên tờ Laure Mandeville hỏi bà Phyllis Hall, nguyên là y tá bệnh viện Parkland, Dallas, nơi tổng thống Kennedy qua đời sau khi bị bắn. "Tất cả là 42 phóng viên và anh là người thứ 43", bà Hall trả lời.
"Được quay trở lại đây sau 25 năm là điều rất quan trọng đối với tôi", ông Jose Martin Samano, phóng viên đài truyền hình Azteca, Mexico, cho biết. 25 năm trước ông cũng từng đến Dallas đưa tin sự kiện kỷ niệm vụ ám sát Kennedy.
Phóng viên Xavier Vila của đài phát thanh Catalunya, Barcelona (Tây Ban Nha), đến Dallas với mục đích làm phóng sự về sự nghiệp và di sản chính trị của John Kennedy, cũng như những giả thuyết về vụ ám sát thế kỷ.
Phóng viên Giuseppe Guastella của Italy thì hy vọng ghi lại được phản ứng của người dân thành phố sau 50 năm ngày vụ ám sát xảy ra.
"Kennedy là nhân vật tầm cỡ thế giới. Khi ông ấy được bầu làm tổng thống, niềm hân hoan vượt ra ngoài biên giới Mỹ. Tại Pháp, chúng tôi yêu Jack và Jackie. Sự kiện họ đến Pháp gặp mặt tổng thống De Gaulle từng rất lớn", ông Laure Mandeville, phóng viên tờ Le Figaro chia sẻ.
Đây là lần đầu tiên thành phố Dallas chính thức tổ chức sự kiện tưởng niệm Kennedy. Chương trình ngày 22/11 sẽ được bắt đầu lúc 11h30 (giờ địa phương) và toàn thành phố sẽ gióng chuông lúc 12h30, thời điểm tổng thống bị bắn cách đây 50 năm. Một phút mặc niệm sẽ diễn ra sau đó.
Tổng thống Barack Obama cùng cựu tổng thống Bill Clinton đã đến viếng mộ Kennedy tại nghĩa trang quốc gia Arlington ở thủ đô Washington.
Ngày 22/11/1963, tổng thống John Kennedy bị ám sát trong chuyến thăm thành phố Dallas. Cái chết của ông gây chấn động lớn trên toàn nước Mỹ và để lại nhiều nghi vấn về những âm mưu đằng sau vụ ám sát thế kỷ.
Theo Đức Dương (VNE)