Theo báo cáo vừa gửi đến Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Tín dụng ngoại tệ được kiểm soát phù hợp với lộ trình hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế.
Trong đó, riêng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (bao gồm cả mục đích kinh doanh và mục đích tự sử dụng) tăng 14,58% so với cuối năm 2018, chiếm 19,14% tổng dư nợ nền kinh tế.
Cũng theo số liệu của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cung cấp tại hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ vừa diễn ra hồi đầu tháng 10, tính đến ngày 4-10-2019, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 7,85 triệu tỉ đồng. Như vậy, đối chiếu với số liệu thì tổng dư nợ đổ vào bất động sản theo con số tuyệt đối đã ở mức hơn 1,5 triệu tỉ đồng.
So với tháng 6 vừa qua, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đã tăng khoảng 1 triệu tỉ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, nhấn mạnh: “Các tổ chức tín dụng không thiếu vốn và cũng không dừng cho vay bất động sản mà sẽ chỉ cho vay với những chủ đầu tư đủ điều kiện, đáp ứng hồ sơ, thủ tục… Chủ đầu tư có đất sạch, có khả năng sinh lợi nhuận thì ngân hàng sẵn sàng cho vay”.
Trên thực tế, việc cho vay lĩnh vực này vẫn đang được kiểm soát chặt. Một chủ đầu tư địa ốc từng chia sẻ với PV PLO: "Thời gian gần đây doanh nghiệp muốn vay 50 tỉ cũng khó, hỏi vài ngân hàng nhưng đến đâu cũng chỉ nhận được cái lắc đầu dù doanh nghiệp có tài sản đảm bảo rất tốt".
Vị phó tổng giám đốc của một ngân hàng thương mại lý giải: "Đúng là những ngân hàng đã kịch trần “room” cho vay bất động sản thì muốn vay 1 tỉ cũng khó. Họ phải chờ doanh nghiệp khác trả nợ thì mới còn “room” cho khách hàng kế tiếp. Đối với những ngân hàng thực hiện việc siết vốn vay bất động sản một cách chặt chẽ, kén khách hàng thì “room” vẫn còn dư địa để đáp ứng khi khách hàng có nhu cầu.