Gần trưa, căn phòng trọ ọp ẹp trong con hẻm trên đường Mã Lò (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM) vẫn rộn vang tiếng cười nói của bé Quyên.
Đột ngột mất hết tay chân
Thấy người lạ đến nhà, Quyên nhanh nhảu lên tiếng với ánh mắt trong trẻo: “Dạ ai đến nhà đó?”. Cô bé ngồi trên giường, cứ nhìn người lạ đến nhà với đôi mắt sáng rồi cười thật tươi.
Chị Cao Thị Lệ Huyền (36 tuổi, quê ở thị xã Cai Lậy, Tiền Giang) kể rằng khi sinh ra, Ngọc Quyên vẫn khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. “Con bé thông minh và tiếp thu nhanh lắm, rất tinh nghịch, cái gì nói qua một lần là nó hiểu” - chị Huyền nói, tay lần giở những tấm ảnh về cô con gái bụ bẫm của mình trước khi mắc bệnh.
Người mẹ trẻ vẫn luôn tin rằng cô con gái nhỏ nhắn, xinh xắn mình mang nặng đẻ đau sẽ trưởng thành rồi đi học như bao bạn nhỏ khác cùng làng. Nhưng rồi một cơn bệnh bất chợt ập đến đã lấy mất đi cả hai tay, hai chân của Quyên.
Ước mong duy nhất của chị Huyền là có thể lắp chân tay giả cho đứa con gái nhỏ bất hạnh. Ảnh: T.TUYỀN
“Suốt một thời gian dài, tôi không thể chấp nhận được chuyện con gái mình mất đi đôi tay, đôi chân chỉ sau bảy tiếng đồng hồ” - chị Huyền nước mắt ngắn dài.
Đó là vào tháng 6-2017, Quyên bỗng lên cơn sốt nặng, nôn ói rồi bỗng ngất xỉu. Chị Huyền cùng chồng tức tốc đưa con đến bệnh viện (BV) nhưng rồi tình trạng trở nên nặng hơn. Bác sĩ quyết định chuyển cô bé lên BV Nhi đồng 1 nhưng khi vừa đến nơi thì tình trạng của em càng trở nên nghiêm trọng. Tay chân em bị ăn mòn dần, phần thịt bị ăn mòn bị thối rữa ra và có nguy cơ ăn mòn lên đến não... Chỉ trong vòng bảy tiếng đồng hồ, chị Huyền chứng kiến cảnh cô con gái nhỏ của mình phải bị cắt cụt hết cả hai tay và hai chân để bảo toàn tính mạng. Vì quá sốc nên người mẹ trẻ đã ngất xỉu.
“Bác sĩ ở BV bảo rằng con tôi bị nhiễm trùng máu bạch tiểu cầu Nhật Bản, họ chỉ có thể cứu được mạng sống của con bé...” - chị Huyền ngậm ngùi.
“Mẹ mua dép cho con mang đi...”
Ngày còn ở BV, nhiều người nhìn phần thịt tay chân đã thối rữa, đen ngòm, không thể cựa quậy được của Quyên đã lắc đầu ngao ngán. “Nói thật lòng, để con bé đi luôn biết đâu nó đỡ khổ. Chứ giờ nó sống mà tay chân như vậy lại thêm cực” - chị Huyền nhớ lại lời nhiều người nói với chị lúc đó.
Nhưng với tấm lòng người mẹ, chị Huyền bằng mọi giá vẫn cố chạy chữa, chăm lo cho con gái mình. Chị khóc một mình, cứ ôm chặt con dù ai có nói gì.
Từ ngày Quyên đổ bệnh, điều khiến chị Huyền đau buồn nhiều hơn là chồng chị không còn chăm lo cho con như trước. Để tiện chăm sóc con, chị bế Quyên lên TP.HCM ở cùng em gái và mẹ trong căn phòng trọ. Cứ định kỳ đến lượt khám cho Quyên, chị lại ẵm con đón xe ôm đến BV. Đứa con trai 12 tuổi của chị nhớ mẹ nhiều nhưng không còn cách nào khác phải ở lại dưới quê cùng cha.
Để con cho bà ngoại trông nom, chị Huyền đi kiếm việc làm thêm từ 6 giờ sáng đến chiều để có tiền lo cho những đợt khám tiếp theo của Quyên. Những ngày hai mẹ con ở BV, đêm nào nằm xuống chị cũng khóc khi nhìn con ngủ ngon.
“Nó còn nhỏ chưa ý thức được gì cả chứ lớn lên thêm chút nữa, đi ra ngoài thấy bạn lành lặn hơn nó lại tủi thân rồi biết làm sao. Có hôm tôi bế con đi dạo ở cầu thang BV, con bé bảo mẹ mua cho con đôi dép để mang đi như mấy bạn nhỏ khác” - chị Huyền kể, nước mắt lại tuôn rơi. Lời nói ngây ngô của con gái nhỏ cứa sâu vào trái tim người mẹ.
Tôi vẫn muốn tìm cho con một tương lai Cái ước mơ cho con có được cánh tay giả, đôi chân giả để di chuyển của chị Huyền biết đến bao giờ mới thành hiện thực khi hiện tại chị phải chạy vạy từng ngày để lo tiền trọ, tiền sữa, tiền con ốm đau, tái khám định kỳ. Chị nói rằng có thể điều chị mong ước sẽ không bao giờ thành hiện thực, “nhưng tôi vẫn muốn tìm cho con mình một con đường ở tương lai...” - chị Huyền đau đáu. |
Mỗi lần thấy mẹ khóc, bé Quyên dù không biết do cớ gì mà mẹ khóc nhưng vẫn cứ đưa hai cùi tay ôm mẹ rồi hôn vào mắt, vào má chị Huyền. Chị Huyền hỏi nhỏ rằng con thương mẹ không, Quyên trả lời lảnh lót: “Con thương mẹ nhiều lắm, thương cả anh Hai nữa. Sau này lớn lên, con sẽ làm ca sĩ để nuôi mẹ và cả anh Hai. Mẹ đừng lo”. Chị cười với con nhưng nước mắt lại chảy.
Những ngày này chị Huyền vẫn tất tả ngược xuôi đi làm để dành dụm tiền chuẩn bị lắp chân giả cho con. Số tiền 12 triệu đồng cho đôi chân giả với chị Huyền bây giờ là cả một gánh nặng. “Phải lắp chân giả cho con để con tập di chuyển dần. Tôi chỉ hy vọng là sau khi lắp được chân giả, con sẽ tự đi được nhuần nhuyễn hơn” - chị Huyền bộc bạch.
Đó chỉ là việc trước mắt, còn xa hơn thì chị cũng đã tính toán kỹ lưỡng: “Tôi hy vọng là đến năm con sáu tuổi, tôi có thể lắp được đôi chân mới cho con để con có thể đi như bao bạn khác dù có khập khiễng. Tôi mong mình sẽ dành dụm đủ tiền để lắp cho con cánh tay giả, cánh tay mà như bác sĩ nói có thể gắn cây viết vào để con viết bài được... Dù gì đi nữa, tôi cũng sẽ cho con đi học để nên người” - chị Huyền nói trong nước mắt.
Tình thương của những người dưng Từ ngày con gái mắc bệnh ngặt nghèo, chị Huyền bảo rằng dù có mất mát nhưng chị vẫn thấy ấm áp vì có nhiều người thương hai mẹ con. Đó là những người hàng xóm cứ dăm ba hôm lại chạy qua hỏi thăm, mua cho bé Quyên vài bộ đồ, dúi vào tay chị Huyền dăm ba chục ngàn đồng để chị có thêm tiền mua sữa cho con gái. Ngày tôi đến thăm nhà hai mẹ con chị Huyền, có người đàn ông chạy xe Grab lật đật ghé thăm bé Quyên. Ông là Đoàn Quốc Cường, vốn là người thường xuyên chở hai mẹ con đến BV để điều trị, lâu dần nên thân thiết. “Mấy hôm nay ông lu bu quá nên không ghé thăm con thường xuyên được, con có khỏe không?” - ông Cường bế Quyên lên rồi hỏi han. Ông Cường kể rằng ngày đầu thấy chị Huyền ôm đứa con gái cụt cả tay chân, ông vừa thương vừa xót. Từ đó, cứ mỗi lần cần đến BV, ông lại chở hai mẹ con đi. |