Ông Tập ghi nhận trong năm qua quan hệ Trung-Mỹ đã có tiến triển quan trọng; bất luận trên các vấn đề thương mại, quân sự, an ninh mạng hay các vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu và hạt nhân Iran, Trung-Mỹ đều hợp tác rất hiệu quả.
Ông nhấn mạnh quan hệ Trung-Mỹ phát triển ổn định vững mạnh, phù hợp với lợi ích song phương, đôi bên tiếp tục thúc đẩy nghị trình hợp tác đã thương thảo. Ông cho rằng đôi bên nên thực hiện tốt nhận thức chung mà lãnh đạo hai nước đã đạt được, kiên trì không xung đột, không đối kháng, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng thắng.
Ngày 28-1, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo Hàn Quốc mong muốn nhìn thấy Trung Quốc giữ vai trò xây dựng hơn với tư cách là nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ trong vấn đề thiết lập một nghị quyết trừng phạt CHDCND Triều Tiên sau lần thử hạt nhân lần thứ tư của Triều Tiên.
Tại cuộc họp báo, người phát ngôn Cho June-hyuck tuyên bố: “Hàn Quốc sẽ tiếp tục triển khai nhiều nỗ lực khác để đưa Trung Quốc giữ vai trò xây dựng hơn bằng cách dựa vào quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Hàn Quốc và Mỹ để có một nghị quyết cứng rắn và hiệu quả tại Hội đồng Bảo an LHQ”.
Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) đánh giá cuộc hội đàm hôm 27-1 giữa hai bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và Mỹ tại Bắc Kinh đã chứng tỏ quan điểm khác nhau liên quan đến biện pháp trừng phạt CHDCND Triều Tiên.
Ông John Kerry chủ trương trừng phạt Triều Tiên mang ý nghĩa quan trọng vì có ý nghĩa và có gây hậu quả. Ông Vương Nghị lại nhấn mạnh trừng phạt Triều Tiên không phải là mục đích tự thân.
Liên quan đến cuộc hội đàm Trung-Mỹ, người phát ngôn Cho June-hyuck ghi nhận hai bên đều đã nhất trí không khoan dung cho hành động thử hạt nhân của Triều Tiên, nhất trí thiết lập một nghị quyết mới của LHQ và tìm kiếm giải pháp phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Chuyên gia Kim Han-kwon tại Viện Nghiên cứu chính sách Asan nhận định Trung Quốc không muốn một nghị quyết trừng phạt Triều Tiên vì lợi ích chiến lược của Trung Quốc trong khu vực. Ông nhận xét: “Đối với Trung Quốc, quan hệ với Triều Tiên rất quan trọng, tuy nhiên các điều kiện an ninh ở Đông Bắc Á còn quan trọng hơn, nhất là những gì liên quan đến cạnh tranh chiến lược với Mỹ trong khu vực”.