Tham gia buổi đối thoại có ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, chủ đầu tư, Sở GTVT tỉnh Hậu Giang và hàng chục hộ dân thị trấn Một Ngàn.
Tại buổi đối thoạ,i đa số người dân đồng ý về chủ trương xây dựng phát triển của địa phương. Tuy nhiên, việc xây cầu qua thấp là không phù hợp. Ông Võ Văn Đoàn, chủ cơ sở vật liệu xây dựng Ba Đoàn, cho rằng: “Bắc cây cầu thấp như thế sẽ ảnh hưởng đến việc mua bán kinh doanh chúng tôi, bởi tàu thuyền không thể nào qua lại được. Suốt sáu tháng nay từ khi xây cây cầu này ghe không thể xuất nhập hàng gì được, cơ sở phải ngừng hoạt động. Tôi đã thiếu hai tháng thuế rồi nhưng không có tiền đóng vì không kinh doanh được. Đã nói cầu thì phải có độ công để tàu ghe qua lại chứ”. Đồng thời người dân kiến nghị dừng thi công cầu, sang năm hãy gác dầm chính, chờ mở đường mới cho người dân lưu thông.
Cầu Tân Hiệp xây quá thấp bị dân phản ứng.
Ông Võ Văn Đoàn phát biểu ý kiến.
Trả lời người dân, ông Trần Thanh Lâm, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, cho rằng việc tạm ngưng thi công sẽ làm chậm trễ tiến độ, vi phạm hợp đồng và phải bồi thường. “Kênh Ba Bọng vừa nạo vét xong, người dân chịu khó đi qua đó thời gian, huyện sẽ xin tỉnh đầu tư mở đường giao thông mới. Mà mở tuyến mới liền cũng không được, phải đi theo trình tự thủ tục theo quy định. Bây giờ sự việc này cũng đã lỡ rồi, tôi xin ý kiến bà con cho tiếp tục tiến hành thi công".
“Vậy nỗi khổ của người dân mấy ông có chia sẻ không, người dân không sống được thì lấy gì đất nước phát triển. Nhà tôi sát kinh Ba Bọng, cách chưa đầy 100 m nên biết là có qua được không, nước ròng đi vẫn không được vì cầu quá thấp, kênh lại nhỏ. Tranh chấp cao, thấp hoài cũng không được gì. Nếu chúng tôi đi được đường khác thì đã đi rồi. Chúng tôi sống trong ở đây đường nào chúng tôi cũng hiểu hết. Giờ tôi chỉ yêu cầu một là nâng cầu lên, hai là tạo một lối đi khác (từ kênh Tân Hiệp sang kênh Xáng Mới) thuận tiện cho nhân dân” - ông Nguyễn Văn Tuôi bức xúc nói.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, khẳng định: “Việc đầu tư xây dựng cầu theo đúng quy trình, đúng quy chế dân chủ. Quy mô, tỉnh thống nhất không thông thuyền, huyện tổ chức họp dân lấy ý kiến, dán bảng thông báo ở khu vực để bà con có ý kiến. Cuộc họp lấy ý kiến có 41 hộ cơ bản đồng ý. Trên cơ sở đồng ý của hộ dân, huyện có văn bản thống nhất về quy mô đầu tư công trình".
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, phát biểu trong buổi đối thoại.
Giải thích về việc xây cầu không thông thuyền tại đây, phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang cho biết trục đường 37 nối khu thương mại với trung tâm hành chính của huyện là trục đường trung tâm, không phải đường tránh đô thị. Nên cầu được xây dựng là cầu không thông thuyền nhằm kết nối giao thông hai bên thuận lợi, đẹp, dễ dàng trong quá trình sử dụng, tạo vẻ mỹ quan đô thị. Còn Cầu Tân Hiệp trên quốc lộ 61C và cầu Tân Hiệp thông thuyền cao do đường theo quy hoạch là đường tránh đô thị nên đảm bảo lưu thông do vậy phải làm cầu cao. Còn cầu trên đường 37 là đường trong đô thị.
“Đối với ý kiến người dân hôm nay, tôi đề nghị huyện tập hợp danh sách hộ dân bị dự án cầu này làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh xem là ảnh hưởng hàng loạt người dân hay là chỉ một số hộ dân. Sau đó huyện làm văn bản đề nghị Thường trực UBND tỉnh xem xét giải quyết các vấn đề có liên quan, đặc biệt là vấn đề đi lại của bà con được đảm bảo. Đồng thời yêu cầu huyện và các đơn vị liên quan phối hợp khảo sát lại kênh Ba Bọng, vị trí nào nạo vét được thì nạo vét mở rộng cho bà con đi, tránh việc đi lại quá khó khăn. Còn về thi công cầu thì đề nghị bà con cô bác bà con đồng thuận để cầu được thi công vì lợi lợi ý chung của thị trấn, chia sẻ với chính quyền” - ông Tuấn nói.
Như Pháp Luật TP.HCM đưa tin, thời gian gần đây nhiều hộ dân ở thị trấn Một Ngàn vô cùng bức xúc về việc chính quyền địa phương xây dựng Cầu Tân Hiệp quá thấp gây cản trở giao thông thủy ảnh hưởng đến cuộc sống, mua bán kinh doanh của các hộ dân. Trước phản ứng của người dân, công trình đã tạm dừng thi công. Cầu Tân Hiệp được UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt tháng 10-2016, do Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng công trình giao thông tỉnh Hậu Giang làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 28 tỉ đồng từ ngân sách địa phương. Thời gian thực hiện từ năm 2017 đến 2019. Việc xây cầu Tân Hiệp nhằm hoàn thành tuyến đường trục trung tâm thị trấn Một Ngàn. Hiện nay cầu đã hoàn thành 50% khối lượng công trình. Theo định hướng đến năm 2025,thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A sẽ phát triển mạnh đô thị theo hướng thương mại dịch vụ và sẽ trở thành đô thị loại IV. Đây là động lực để thị trấn tập trung phát triển kinh tế, chỉnh trang đô thị, nâng tầm diện mạo, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế-xã hội của huyện. Vì vậy việc đầu tư cầu Tân Hiệp là cần thiết, phù hợp quy hoạch địa phương. Đây là cầu đầu tiên của tỉnh có kiến trúc đô thị. |