Hãng thông tấn nhà nước Malaysia Bernama hôm qua dẫn lời một nguồn tin cho biết các công dân Triều Tiên đã hình thành nên một mạng lưới tình báo có tổ chức dưới vỏ bọc của những công nhân lao động trong nhiều lĩnh vực ở Malaysia.
Theo nguồn tin của Bernama, nhiều công dân Triều Tiên đến Malaysia và trở thành những nhân viên công nghệ thông tin trong các công ty tại khu công nghệ Cyberjaya của nước này. Thông qua công việc này, những người Triều Tiên sẽ thu thập được các thông tin và dữ liệu nội bộ để phục vụ cho hệ thống tình báo.
Đại sứ quán Triều Tiên tại Malaysia bị cảnh sát phong tỏa hôm 6-3. Ảnh: CN
“Đây không phải là những người bình thường, bởi vì họ được đào tạo đặc biệt trước khi được chọn ra nước ngoài làm việc” - nguồn tin nói với hãng thông tấn Bernama. “Nhận được sự tài trợ từ các công ty nhà nước, sự hiện diện của họ tại Malaysia không chỉ là để làm việc mà còn với tư cách là một điệp viên được đào tạo”.
Theo nguồn tin này, nhóm người Triều Tiên tại Malaysia là một phần của khoảng 100.000 người Triều Tiên đang làm việc tại nước ngoài trên toàn thế giới và đã trở thành nguồn “tài nguyên” có giá trị cho đất nước của họ. Mỗi người Triều Tiên ở nước ngoài làm việc đều phải báo cáo thông tin cho Đại sứ quán Triều Tiên hằng tháng và phải trải qua phỏng vấn khi về nước.
Ngoài lĩnh vực công nghệ thông tin, nhiều lao động Triều Tiên còn làm công việc khai thác quặng sắt ở bang Sarawak và làm đối tác với các doanh nhân Malaysia. Nguồn tin của Bernama cũng cho biết chủ lao động thường gửi tiền lương của công nhân Triều Tiên cho đại sứ quán, còn người lao động chỉ được hưởng trợ cấp sinh hoạt.
“Đại sứ quán thường gửi tiền mặt về vì họ không thể thực hiện các giao dịch trực tuyến do những hạn chế của Liên Hợp Quốc đối với Bình Nhưỡng” - nguồn tin nói. “Họ sẽ mang về những chiếc cặp đựng tiền mặt và sử dụng đặc quyền ngoại giao ở sân bay để qua khỏi kiểm tra an ninh sân bay”.
Đại sứ Triều Tiên tại Malaysia Kang Chol bị trục xuất về nước hôm 6-3, liên quan đến nghi án ông Kim Jong-nam bị ám sát. Ảnh: REUTERS.
Lý giải về việc vì sao có nhiều người Triều Tiên đến Malaysia và làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cổng thông tin trực tuyến ở Milan Hackread cho rằng Triều Tiên có một đơn vị công nghệ thông tin được gọi là Cục 121, gồm một nhóm tin tặc ưu tú được đào tạo để thực hiện các nghiệp vụ gián điệp không gian mạng.
Hãng thông tấn Bernama cho biết đã kiểm tra và tìm thấy một loạt cuộc phỏng vấn giữa cổng thông tin Hackread với GS Kim Heung Kwang, người Triều Tiên đã đào tẩu sang Hàn Quốc vào năm 2004.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Kim nói rằng đã dạy khoa học máy tính tại Triều Tiên cho nhóm tin tặc hàng đầu trong vòng 20 năm. Theo ông Kim, chỉ có những người làm việc cho Cục 121 được phép truy cập Internet hoặc được phép ra nước ngoài.
Tuy nhiên, nguồn tin cho hay các điệp viên tình báo Triều Tiên không thể thoát khỏi con mắt kiểm soát của chính quyền Malaysia. “Tất cả cơ quan tình báo trong khu vực đều nhận thức được điều này và họ đang tăng cường giám sát các hoạt động từ phía Triều Tiên” - nguồn tin của Bernama cho biết.