Nhắc đến giang hồ Sài Gòn, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến quận 4. Đây là cái nôi của nhiều tay “anh, chị” khét tiếng, trong đó có ông trùm một thời Năm Cam.
Những khu nhà ổ chuột trên kênh rạch quận 4. Ảnh tư liệu
‘Máu giang hồ’, qua quận 4 sẽ rõ
Nói về đất giang hồ quận 4, các khu vực đã nổi danh trong ký ức người Sài Gòn đứng đầu bảng phải kể đến đường Tôn Đản. Trong đó khu hẻm 148, là nơi mà Năm Cam từng sống. Đây được xem như cái nôi của những ông trùm lúc bấy giờ.
Bà Tám Tèo (102 tuổi), người lớn tuổi nhất ở con hẻm là nhân chứng sống cho những thăng trầm của con hẻm này. Tuổi đã cao, bà Tám Tèo giờ chỉ còn nằm trên giường vì bệnh nặng, nhưng đầu óc thì vẫn còn minh mẫn.
Bà quê gốc Gò Công (Tiền Giang), lên Sài Gòn từ nhỏ để làm thuê cho người ta. Từ ngày đầu bước chân lên Sài Gòn, bà Tám Tèo đã ở đây và quen dần với nếp sống “một ngày chém, giết nhau cả chục lần” của những tay giang hồ.
Người phụ nữ găm mã tấu, đạn… bán ma túy trong nhà. Ảnh: CACC.
“Tui nói cho nghe, đánh nhau là chuyện không thể không có rồi; còn chém nhau đến nằm viện rồi chết thì nhiều vô số kể. Dân quận 4 “nói được làm được và rất sòng phẳng. Người ta nói đánh là đánh, chém là chém chớ không có dùng dằng”, bà Tám Tèo vịn tay lên giường, cố ngồi dậy, chậm rãi nói.
Còn cô Sáu Chè, người sinh ra và lớn lên ở đây bảo rằng, giang hồ quận 4 không phải chỉ có đánh chém nhau. “Người ta đánh nhau mà vẫn có cái kiểu như tình anh em gắn kết, sống chết có nhau á. Tui thấy cái đó hay chứ, chỉ là mọi người không nên dùng cách đánh nhau mà thôi”, cô Sáu Chè cười lớn.
Phận đời truân chuyên
Chúng tôi có duyên quen biết với bà Lan (ngoài 50 tuổi), người từng lăn lộn trong giới giang hồ quận 4 khi chỉ vừa 14 tuổi. Bà mở đầu câu chuyện với cái giọng ngang tàng: “Hồi đó, tui đây cũng đi oánh lộn dữ lắm chớ nói chi xa”.
Nhà đông chị em, lại là chị cả nên bà Lan phải mưu sinh từ nhỏ để phụ gia đình. Không riêng gì chị em bà Lan, cuộc sống của những đứa trẻ khác ở quận 4 đều rơi vào cùng một phiên bản: không tới trường, lo kiếm tiền phụ gia đình rồi dần rơi vào vòng xoáy của các tệ nạn.
Câu chuyện của những đứa trẻ ở thời bà Lan không phải là con chữ, những bài học dạy làm người ở trường, những chiều ra công viên dạo chơi cùng lũ bạn… “Thường tụi tui sẽ tám với nhau xem hôm nay ông nào đánh ông nào, bà nào nắm tóc, cắn nhau với người khác. Nay có ai đánh nhau nhập viện không mày?, rồi bên vỉa hè kia có thằng nhóc, con nhỏ mới đến, qua dằn mặt tụi nó chơi… Tui trở thành đứa có tiếng trong giới giang hồ choai choai từ đó, rồi đi bụi, không thường xuyên về nhà nữa”, rít điếu thuốc một hơi dài, bà Lan trầm ngâm nhớ lại.
Những tháng ngày sau đó, bà Lan vẫn tiếp tục cuộc sống rày đây mai đó cho đến khi trưởng thành. Bà làm bạn với những chị em kết nghĩa từ nhiều nơi khác đến và có một băng đảng riêng cho mình. Nối tiếp là những cuộc đánh nhau không hồi kết. Bà chỉ cho tôi xem những vết sẹo trên cánh tay, dưới bắp chân và cả trên gương mặt đã hằn nếp nhăn của mình rồi bảo: “Oanh tạc cũng dữ dằn lắm chớ giỡn, mỗi lần oánh là không biết mai mình có sống nổi hay không”.
Những ngày lăn lộn giang hồ, cơ duyên đưa đẩy, bà Lan lại yêu một đàn em thân tín của ông trùm Năm Cam…
“Hồi đó nghe tới Năm Cam là thấy ớn rồi, tui cũng chả hiểu sao lại có gan yêu tới đàn em của ổng. Mà cuộc tình đó cũng kéo dài một thời gian, tui vẫn giúp mấy ổng làm vài chuyện lặt vặt. Đến khi không còn duyên với ổng nữa, tụi tui chia tay... Mà ai hỏi tui đều không nhắc đến tên ổng đâu, giữ vậy cho riêng mình thôi”, bà Lan nhớ lại.
Đó, cũng là cuộc tình duy nhất của bà Lan trong suốt quãng đời con gái của mình…
“Cho đến khi bản thân tự ý thức mình đã lớn tuổi, không thể sống mãi như vậy được thì tui mới tìm đường quay trở lại. Lúc đó, ba mẹ không, em út gì cũng không ai nhận mình cả…”, bà Lan ngậm ngùi.
Nhiều năm nay, bà Lan làm nghề buôn bán quần áo cũ ở góc nhỏ của một ngôi chợ nằm cách xa quận 4. Hỏi lý do vì sao lại đi xa như thế, bà chỉ bảo có những nơi không nên quay về sẽ tốt hơn… vì ở đó không còn gia đình của bà nữa…
“Hẻm với người nay đã khác xưa rồi…”
Đi sâu vào những con hẻm nhỏ nằm cùng trục với hẻm 148, đường Tôn Đản, tôi cảm giác có chút rờn rợn vì sự im lìm của nó. Nhưng có cùng ngồi xuống trò chuyện với người dân ở đây mới thấy họ thẳng thắn mà đáng yêu vô cùng. Lại còn biết đùm bọc lẫn nhau để mà sống.
Như bà Tám Tèo đã già yếu, nhiều lúc lại hơi khó tính, con cái trong nhà không chiều được thì mấy cô hàng xóm quanh đó lại chọc bà cười, mỗi người cùng xắn tay đút cơm, tắm rửa cho bà Tám. Có hôm sau giờ cơm trưa, mọi người cùng ngồi tụ tập bên ô cửa, chỗ cái giường bà Tám nằm ngồi nói chuyện cho bà đỡ buồn.
Đi sâu vào trong hẻm 148, đường Tôn Đản, quận 4 thường bắt gặp những con hẻm nhỏ, nối thông với những con hẻm khác. Người dân ở đây bảo rằng: “Hẻm với người nay đã khác xưa rồi”. ẢNH: THANH TUYỀN.
Người dân ở đây thẳng thắn nói với tôi rằng, nhiều người bây giờ vẫn nghĩ đến con hẻm như một nơi còn nhiều điều xấu, tối tăm. Điều này khiến họ thấy buồn. “Hẻm với người nay đã khác xưa rồi”- một người dân nói.
Vì giờ đây, cuộc sống ở con hẻm này đã hiện đại, văn minh hơn. Mọi ngõ ngách trong con hẻm giờ cũng đã sạch sẽ, nhà cửa mọc lên san sát nhau. Con người thì trở nên hiền lành, biết lý lẽ và cư xử hơn chứ không còn kiểu hở ra là đánh, chém như xưa. “Mọi người ở đây giờ sống bình yên lắm cô ơi”, bà Tám Tèo nói.
Khi tôi gửi lời chào bà Tám và chúc sức khỏe bà để ra về, bà Tám kéo tôi lại, ghé sát vào tai tôi, giọng chậm rãi: “Lần sau có thời gian cô nhớ ghé thăm tôi nhé, không có ai nói chuyện buồn lắm. Cô đừng bỏ tui nhen cô”. Nghe bà Tám nói, cả xóm bật cười vì mỗi ngày đều có hàng xóm đến nói chuyện mà bà kêu không có ai.
Vậy đó, con hẻm từng khiến nhiều người ám ảnh giờ đã đổi thay quá nhiều. Sau tất cả, mọi người đối đãi với nhau tử tế hơn, tự biết tốt xấu để không phải cứ “có chuyện gì cũng giải quyết bằng dao, búa” như trước.
Kỳ 3: Sở Thùng, xóm cờ bạc thay da đổi thịt