Bộ Tài chính đang lấy ý kiến để điều chỉnh, bổ sung nghị định về lệ phí trước bạ. Theo đó, bộ này đề xuất từ 1-7-2017 sẽ thay đổi cơ bản cách tính lệ phí trước bạ đối với các loại ô tô, mô tô, xe máy, kể cả ô tô điện và xe máy điện. Nếu điều này được chấp thuận thì khi đó người dân mua ô tô, xe máy sẽ không vất vả tra cứu hàng trăm bảng giá do địa phương nơi đăng ký xe nữa.
Nhiều giá, khó tra cứu
Theo quy định, lệ phí trước bạ nói chung và với các loại phương tiện giao thông nói riêng được tính dựa trên giá tính trước bạ và tỉ lệ trước bạ. Rối rắm nằm ở chỗ bảng giá để tính lệ phí trước bạ (thường gọi là bảng giá tối thiểu). Bảng này hiện do UBND từng tỉnh, thành tự xây dựng và áp dụng ở địa phương mình.
Tuy nhiên, do các hãng sản xuất thường xuyên đưa ra các mẫu, đời xe khác nhau và đương nhiên giá cả các sản phẩm này cũng có sự khác biệt. Một bảng giá không thể theo kịp sự thay đổi các đời xe này nên các UBND tỉnh, thành giao cho Sở Tài chính cập nhật bảng giá này liên tục.
Ví dụ, tại TP.HCM, năm 2013 UBND TP đã ban hành Quyết định 06 về bảng giá tối thiểu xe ô tô, xe máy... Bảng giá này dài hơn trăm trang vì phải tổng hợp hàng ngàn loại ô tô, xe máy.
Trong bảng giá năm 2013, ô tô hiệu Kia Morning chỉ có hai loại xe là Kia Morning EX 1086 phân khối và Kia Morning SLX 999 phân khối, giá tối thiểu là 310 triệu đồng. Thế nhưng từ năm 2013 đến nay, Kia Morning đã có thêm nhiều loại xe nữa như Kia Morning TA 12G E2 AT hay Kia Morning TA 12G E2 MT, đều sản xuất năm 2014. Vậy giá tối thiểu mà TP.HCM áp dụng cho chiếc xe mới này là bao nhiêu?
Điều này dẫn đến một kho thông tin rối rắm về bảng giá tối thiểu mà nhiều người dân có nhu cầu cần tra cứu để tính mức lệ phí trước bạ thật không dễ dàng.
Người dân làm thủ tục đăng ký ô tô. Ảnh: GN
“Thương lượng” được giá tối thiểu?
Theo Sở Tài chính TP.HCM, từ sau Quyết định 06/2013, hằng tuần sở này đều có quyết định cập nhật loại xe mới nhập khẩu, loại xe mới sản xuất trong nước. Theo thống kê, từ sau quyết định này đến nay đã có hàng trăm quyết định bổ sung vào bảng giá. Tương tự, Sở Tài chính TP Hà Nội cũng phải thường xuyên ban hành các quyết định bổ sung những loại xe mới vào bảng giá tối thiểu và công khai trên website của sở này.
Tuy vậy, việc có quá nhiều bảng giá, nhiều cập nhật như trên khiến người dân lúng túng trong việc tra cứu. Ông Giang Bình (ngụ Gò Vấp, TP.HCM), chuyên tư vấn, hỗ trợ thủ tục về đăng ký ô tô, cho biết nhiều khách hàng than phiền họ không được biết căn cứ nào mà cơ quan thuế tính lệ phí trước bạ. “Chủ xe đến chi cục thuế hỏi thì nhân viên thuế tính toán xong rồi đưa số tiền chứ họ không chịu đưa căn cứ bảng giá tối thiểu nào. Nếu ai đó gặng hỏi bảng giá này thì họ nói đây là chuyện nội bộ ngành thuế. Việc không công khai bảng giá khiến nhiều người không biết cơ quan thuế tính vậy là cao hay thấp” - ông Bình nói.
Ngoài ra trên một số diễn đàn, như diễn đàn otosaigon.com, không ít lần các thành viên nhờ tư vấn “cách linh hoạt giảm bớt” lệ phí trước bạ. Một người chuyên làm dịch vụ kể: “Một chiếc BMW sản xuất năm 2015 song người chủ có thể được “ưu ái” áp giá tối thiểu xe đời 2013 để tính lệ phí trước bạ. Vấn đề là phải biết điều!” - người này chia sẻ.
Theo ông Bình, việc ban hành một bảng giá dùng cho cả nước là hợp lý. Song khi ban hành thì Bộ Tài chính cần công khai bảng giá, kể cả bảng cập nhật. Ngoài ra, Bộ Tài chính cần xây dựng công cụ để người dân tra cứu trực tuyến thông tin về giá tối thiểu chứ không thể giữ thông tin này “nội bộ ngành” như nhiều nơi đang làm.
Một bảng giá dễ khai qua mạng Nếu UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá như hiện hành mà khai lệ phí trước bạ qua mạng thì phải xây dựng phần mềm theo dõi bảng giá của 63 tỉnh, thành. Tuy vậy, việc cập nhật dữ liệu cũng rất khó khăn. Trong khi đó, việc xác định giá tính phí trước bạ đối với ô tô, xe máy chủ yếu căn cứ trên thông báo giá của các đơn vị nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp... nên cùng một loại ô tô, xe máy không có sự chênh lệch nhiều giữa các tỉnh, thành. Việc ban hành bảng giá áp dụng thống nhất trên toàn quốc sẽ giải quyết được sự chênh lệch này và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân có ô tô, xe máy thuận lợi trong việc khai, nộp lệ phí. Bởi vì người nộp thuế có thể truy cập, tra cứu, dễ dàng khai, nộp lệ phí bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào có kết nối mạng Internet. Điều này sẽ tạo được tính công bằng, công khai và minh bạch. Ngoài ra, việc áp dụng thống nhất còn làm giảm công việc thu thập, tổng hợp, nghiên cứu, cập nhật bảng giá tính lệ phí trước bạ tại từng địa phương. Trích các ý kiến góp ý của các cơ quan thuế và Tờ trình của Bộ Tài chính Tiết kiệm cho Nhà nước, tiện hơn cho dân Ban Vật giá Sở Tài chính TP.HCM cho rằng nếu Bộ Tài chính làm đầu mối và xây dựng, cập nhật bảng giá tối thiểu này thì tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý lẫn người dân. Thứ nhất, Bộ Tài chính có dữ liệu tổng hợp về xe mới nhập khẩu từ tất cả hãng, có dữ liệu về xe mới lắp ráp, sản xuất trên toàn quốc. Thứ hai, Bộ có thể xây dựng một công cụ tra cứu chung cho cả nước để người dân mọi nơi tra cứu, tìm kiếm giá tối thiểu thay vì từng tỉnh, thành phải xây dựng công cụ tra cứu này. Ngoài ra, điều này còn giúp việc thu lệ phí trước bạ được công khai, minh bạch hơn. Từ đó, người dân thuận lợi hơn khi tính lệ phí trước bạ và hạn chế được các tiêu cực có thể phát sinh. |