Hiến kế bảo tồn hệ sinh thái rừng, biển tại VQG Côn Đảo

Hiến kế bảo tồn hệ sinh thái rừng, biển tại VQG Côn Đảo

(PLO)- Nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về bảo tồn, sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng, biển để phát triển du lịch sinh thái ở Côn Đảo. 

Sáng 28-4, tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Ban quản lý VQG Côn Đảo tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn, sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng, biển để phát triển du lịch sinh thái ở Côn Đảo”.

Ông Nguyễn Khắc Pho, giám đốc Ban quản lý VQG Côn Đảo cho biết, hội thảo này là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện được tổ chức nhằm chào mừng lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập VQG Côn Đảo (1993-2023).

Ông Nguyễn Khắc Pho

Ông Nguyễn Khắc Pho, giám đốc Ban quản lý VQG Côn Đảo tại hội thảo. Ảnh: KN

Theo ông Pho, cách đây 30 năm, Nhà nước đã xác định chức năng và nhiệm vụ của VQG Côn Đảo là “Bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái và các động, thực vật trên đảo và vùng đệm dưới biển; Tôn tạo bảo tồn rừng gắn với cảnh quan và quần thể di tích văn hóa, lịch sử của đảo; Thực hiện các dịch vụ nghiên cứu khoa học và giáo dục, tham quan, du lịch”.

Côn Đảo có hệ sinh thái đa dạng để phát triển du lịch sinh thái chất lượng cao. Ảnh: MC

Côn Đảo có hệ sinh thái đa dạng để phát triển du lịch sinh thái chất lượng cao. Ảnh: MC

Qua 30 năm, đơn vị cùng với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã phối hợp, nỗ lực triển khai nhiều chương trình, dự án, đề tài…nhằm bảo tồn, tôn tạo tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học rừng và biển.

Để từ đó làm tiền đề, nền tảng cho các hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường và phát triển du lịch Côn Đảo xanh, bền vững như ngày nay.

Các đại biểu tham dự hội thảo khoa học. Ảnh:KN

Các đại biểu tham dự hội thảo khoa học. Ảnh:KN

Do đó, hội thảo là dịp để đánh giá, bàn sâu về những giải pháp, định hướng cho VQG Côn Đảo trong bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên gắn liền với sử dụng bền vững và phát huy các hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái biển, đất ngập nước quý giá của Côn Đảo.

Mục tiêu là phát triển kinh tế du lịch, nhất là du lịch sinh thái chất lượng cao đã xác định tại quyết định số 870/QĐ-TTg ngày 17/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Hội thảo có khoảng 70 đại biểu là các lãnh đạo địa phương, nhà quản lý, nhà khoa học, nhà bảo tồn, doanh nghiệp… hưởng ứng tham gia với 8 bài viết, báo cáo xoay quanh các chủ đề: Đa dạng sinh học rừng lá rộng thường xanh ở VQG Côn Đảo; Đa dạng thực vật rừng ngập mặn ở vùng đất ngập nước ven biển VQG Côn Đảo.

Rùa biển Côn Đảo

Rùa biển tại vùng biển Côn Đảo. Ảnh: VQG

Hiện trạng sinh cảnh rùa biển ở VQG Côn Đảo; Kết quả 30 năm bảo tồn và nghiên cứu rùa biển của VQG Côn Đảo; Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên WWF tại Việt Nam đồng hành cùng VQG Côn Đảo trong công tác bảo tồn biển ở Côn Đảo.

Kinh nghiệm bảo tồn rùa biển ở vườn quốc gia Côn Đảo có sự tham gia của tình nguyện viên giai đoạn 2014-2022; Kết quả phối hợp giữa công ty TNHH Côn Đảo Resort và VQG Côn Đảo sau 5 năm thực hiện phương án phục hồi bãi đẻ rùa biển tại bãi Đất Dốc huyện Côn Đảo.

Đảm bảo cơ sở pháp lý và khoa học để cho thuê môi trường rừng phát triển du lịch sinh thái ở VQG Côn Đảo.

Chuyên gia đóng góp ý kiến tại hội thảo. Ảnh: KN

Chuyên gia đóng góp ý kiến tại hội thảo. Ảnh: KN

Theo ông Nguyễn Khắc Pho, giám đốc Ban quản lý VQG Côn Đảo, các bài viết, báo cáo nêu trên rất có giá trị. Từ đây, VQG tiếp thu để đề ra các kế hoạch, giải pháp và định hướng cho việc quản lý, bảo tồn và phát triển du lịch ở Côn Đảo thời gian tới nhằm bảo tồn hiệu quả, sử dụng hợp lý đa dạng sinh học để phát triển bền vững Côn Đảo

VQG Côn Đảo có thành phần thực vật tương đối phong phú và đa dạng với 1.077 loài thực vật bậc cao thuộc 640 chi, 160 họ, trong đó có 420 loài thân gỗ, cây bụi 273 loài, dây leo 137, nhóm cây thân thảo 174 loài, khuyết thực vật 53 loài, thực vật phụ sinh 20 loài.

Từ 1993 -2022 tại vùng biển Côn Đảo có bốn loài rùa biển, đó là loài Rùa xanh (Chelonia mydas), Đồi mồi (Eretmochelys imbricata), Đồi mồi dứa (Lepidochelys olivacea) và Quản đồng (Caretta caretta). Có hai loài lên bãi đẻ trứng tại Côn Đảo đó là loài Rùa xanh (Chelonia mydas) và Đồi mồi (Eretmochelys imbricata). Mấy năm gần đây, chỉ còn 1 loài lên bãi đẻ trứng thường xuyên đó là Rùa xanh, loài Đồi mồi đã không còn ghi nhận được lên bãi đẻ trứng từ năm 2002 đến nay.

Năm 2013, VQG Côn Đảo được công nhận là Vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế thứ 2.203 của thế giới (Khu Ramsar), là thành viên thứ 11 của Mạng lưới các khu bảo tồn rùa biển khu vực Ấn Độ Dương- Đông Nam Á (IOSEA) vào năm 2019, Vườn di sản ASEAN (AHP) thứ 55 của các nước Đông Nam Á vào năm 2022.

Đọc thêm