Hòa giải chuyện tình tay ba

“Nếu như chuyện trai gái hay vợ chồng son gặp trục trặc về tình cảm thì còn dễ thở, chứ gặp cảnh tình tay ba của người đã lớn tuổi thì chúng tôi gian nan lắm…” - hòa giải viên (HGV) Nguyễn Thi Hoa, quận Tân Phú, TP.HCM, chia sẻ tại tọa đàm “Giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở” do Sở Tư pháp TP.HCM chủ trì ngày 2-8.

Tọa đàm này là một trong chuỗi hoạt động trong năm 2017 do cụm thi đua số 2 gồm phòng tư pháp các quận 4, 6, 8, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Phú, Phú Nhuận tổ chức.

Tình tay ba tuổi xế chiều

Bà Hoa kể vợ chồng ông X. đã gần 70 tuổi, có cháu nội, cháu ngoại đầy đủ, gia đình êm ấm, không điều tiếng gì ở địa phương. Nhưng một buổi chiều nọ, có người phụ nữ tên L. khóc sướt mướt chạy tới gặp bà Hoa.

Chị L. kể trong nước mắt rằng chị gãy gánh tình duyên giữa đường, một mình nuôi con nên khi gặp người tốt như ông X. thì đem lòng yêu mến. Ông X. thường qua lại và thỉnh thoảng có cho tiền chị phụ nuôi con nên tình cảm ngày càng mặn nồng. Giờ vợ ông X. biết chuyện làm ầm lên, chửi đổng, chị khổ sở vì ngày nào cũng nghe những lời đay nghiến của vợ ông X. vì gần nhà nhau.

Bà Nguyễn Thi Hoa (đứng), hòa giải viên quận Tân Phú, TP.HCM, chia sẻ kinh nghiệm tại tọa đàm. Ảnh: KP

“Nghe xong tôi cũng bất ngờ nhưng phải khuyên nhủ cô ấy cố gắng tìm mọi cách dừng ngay mối quan hệ với ông X.”. Bà Hoa phân tích: Xét về đạo đức thì chị L. là người thứ ba. Xét về pháp luật, chị L. cũng vi phạm vì họ là vợ chồng hợp pháp được pháp luật bảo vệ, chị L. chen vào mối quan hệ ấy là có lỗi.

Bà Hoa tiếp: “Cũng tội nghiệp vì chị L. đang tuổi hồi xuân, cần người quan tâm. Nhưng tôi chưa kịp tìm hiểu đầu đuôi câu chuyện thì tới lượt vợ ông X. tìm đến để tố chồng về chuyện ngoại tình”. Bà  bảo ban đầu thấy chồng khác khác, sau thì chưng diện và lạnh nhạt với bà. Bà gặng hỏi thì ông X. kể ra sự thật. Bà muốn HGV tìm cách gỡ rối và để ông X. quay về chứ bà không muốn ly hôn. Bởi ông bà đã lớn tuổi, có sui gia, có cháu nội ngoại, con cái thành đạt...

“Xác định đây là ca khó nên ban đầu tôi khuyên nhủ hai bên bình tĩnh. Sau đó tôi đến nhà chị L. và cả gia đình ông X. để tìm hiểu hoàn cảnh tường tận” - bà Hoa kể. Sau đó bà Hoa nói với vợ ông X. rằng nếu muốn giữ chồng thì không nên làm lớn chuyện. Ông cũng tỏ ra hối hận, hứa bỏ tính trăng hoa thì bà nên tha thứ và theo dõi xem chồng có giữ lời hứa không.

Bà Hoa cũng khuyên chị L. nên từ bỏ ông X. vì cả lý lẫn tình chị đều sai, có thể bị phạt hành chính, thậm chí hình sự. Rồi khi lớn lên con của chị sẽ biết chuyện, nghĩ về mẹ như thế nào? Dù phải tới lui khuyên giải nhiều lần nhưng với sự kiên trì của mình, bà Hoa đã thành công. Kết quả là ông X. và chị L. không còn qua lại với nhau nữa, khu phố bình yên, vợ chồng ông X. sáng sáng lại chở nhau đi ăn sáng, uống cà phê.

Phải chủ động, nhiệt tình

Đó là giải pháp ông Phạm Minh Trí, HGV quận Phú Nhuận, đưa ra. Theo ông Trí, tổ hòa giải cơ sở phải chủ động tiếp cận, can thiệp ngay khi mâu thuẫn bắt đầu để không bùng phát lớn. Sau đó cần động viên, can thiệp chứ không chờ đương sự gửi đơn yêu cầu giải quyết. Ngoài ra, muốn hòa giải tốt phải am hiểu tận tường câu chuyện dẫn đến mâu thuẫn, nhiều khi chỉ là chuyện vặt vãnh nhưng cư xử không khéo nên thành phức tạp. Chẳng hạn có khi chỉ là chuyện tắm rửa cho chó làm nước chảy qua nhà hàng xóm, rồi lời qua tiếng lại, xích mích….

Cũng theo ông Trí, HGV cần phải nắm chắc địa bàn, hộ dân cư, nghề nghiệp, tính tình của người cần hòa giải. Với người nóng tính thì phải nói kiểu nào để họ chịu nghe. HGV còn phải đóng vai trò như tổ dân phố, khu phố, mặt trận, chi hội luật gia, tư pháp, cựu chiến binh, trợ giúp pháp lý cộng đồng… “Tôi nhắm mắt lại cũng có thể vẽ sơ đồ các hộ dân nơi tôi phụ trách. Làm cái nghề này ngoài uy tín thì phải chịu khó, nhiệt tình và có trách nhiệm thì mới làm tốt được” - ông Trí chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Hoa bổ sung, HGV làm nghề bằng cái tâm, cái tình chứ chưa hẳn là đúng quy trình mà xong. Chưa kể phải tìm hiểu cơ bản về các quy định pháp luật liên quan đến việc hòa giải như Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, Nhà ở, Môi trường

Ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho rằng nhiệm vụ của các phòng tư pháp quận, huyện là làm sao để khi xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn thì người dân biết tới tổ hòa giải để nhờ cậy. Họ phải biết gặp ai để giãi bày, tâm sự. Mục đích của hòa giải là giúp các bên tìm được tiếng nói chung, giải quyết ổn thỏa mâu thuẫn, tranh chấp. Nếu các tổ HGV làm tốt thì sẽ giảm tải cho các cơ quan hành chính, cơ quan xét xử.

Chẳng hạn như xây nhà làm nứt tường nhà hàng xóm, HGV cơ sở có thể cho các bên tự thương lượng với nhau về bồi thường. Thậm chí phân tích khả năng nếu kiện ra tòa, thời gian giải quyết để hai bên cân nhắc, lựa chọn cách xử lý hợp lý, hợp tình. Muốn vậy phải trang bị kiến thức pháp luật khi làm việc. Tổ hòa giải nào có HGV am hiểu pháp luật thì đó chính là lợi thế.

Hòa giải viên giúp cha hết đánh con

Bà Nguyễn Thi Hoa tâm sự: “Lần đó tôi đến nhà dân thì bị anh chồng đuổi rồi mắng: “Chuyện nhà tôi, tôi tự xử lý. Chị rảnh, chị không chồng chị mới lo bao đồng chứ ai cũng lo cơm áo gạo tiền hết”. Tôi buồn lắm nhưng mình đã làm cái nghề này rồi thì phải biết dẹp hoàn cảnh cá nhân để lo tròn trách nhiệm”.

Vợ chồng anh này có ba đứa con nhỏ, đẻ dày nên rất vất vả khi chăm con. Người chồng thường hay đánh đập tụi nhỏ đến mức hàng xóm phải gọi điện thoại nhờ can thiệp. Hiểu được áp lực ấy, bà Hoa vẫn kiên nhẫn dù không được chào đón. Nhiều buổi chiều bà cứ xông vào nhà phụ chăm con cho họ rồi tỉ tê với người chồng rằng dù lý do gì cũng không được đánh con. “Tôi trở thành vú em của gia đình ấy lúc nào không biết. Nhưng tôi vui và hạnh phúc vì ông chồng đã đổi tính, không trút giận áp lực công việc lên vai vợ con nữa...” - bà Hoa nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm