Trước đây ở khu phố 3 (phường 6, quận 3, TP.HCM) có một con hẻm nhỏ dài 100 m. Gia đình anh NVA sống trong hẻm không có việc làm, cha mẹ anh lại bệnh nặng, anh xin phép các hộ dân cho mượn một phần của hẻm chung buôn bán nhỏ. Mọi người đồng ý. Do anh nấu ăn ngon nên khách tới đông. Chỉ một thời gian rất ngắn sau đó, con hẻm nhỏ có tới năm hộ bung ra bán.
Từ giận nhau
Anh Ngô Văn Phúc, chủ quán cơm bình dân gần đầu hẻm, cho biết anh nhận sang lại quán cơm được vài tháng. Vừa ổn định buôn bán thì có người dân lên phường thưa anh buôn bán gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Anh rất buồn, trong khi đó cũng có vài hộ lân cận buôn bán lấn chiếm cạnh tranh lẫn nhau.
Chị Nguyễn Thị Nhắn bày tỏ: “Trước đây hẻm rất rộng, con nít có chỗ chơi, ra vào dễ dàng. Sau các hộ buôn bán lấn chiếm ồn ào, con tôi đi bộ cũng bị xe đụng. Con nít mất chỗ chơi, nhiều hộ bức xúc. Chúng tôi phản ánh với anh Tâm, tổ trưởng dân phố. Có mấy hộ đi khiếu nại lên phường”.
Ông Nguyễn Ngọc Tâm, tổ trưởng tổ dân phố 33, khu phố 3, đồng thời là hòa giải viên của khu phố đến gặp các hộ dân phân tích: Vì hoàn cảnh khó khăn nên phường đã tạo điều kiện cho bà con buôn bán. Nhưng các hộ cạnh tranh rồi lấn chiếm lối đi chung là sai luật, còn cự cãi mất đoàn kết, các ngành chức năng đành phải dẹp thông thoáng con hẻm.
Sau vài lần ông tới lui thuyết phục người dân không lấn chiếm, không cạnh tranh thiếu lành mạnh, con hẻm đã thông thoáng trở lại. Các hộ buôn bán chuyển vào trong nhà, những hộ khiếu nại đã rút đơn. Chị Nguyễn Thị Nhắn vui vẻ cho biết: “Anh Tâm xuống đây miết nên giờ hẻm thông thoáng, an toàn. Người dân ở đây quý ảnh lắm!”.
Ông chủ quán cơm vui vẻ cho biết người dân trong hẻm đã hòa thuận, không còn xích mích, anh yên tâm buôn bán. Anh cũng luôn chạy ra ngó chừng việc sắp xếp xe khách cho gọn gàng, không lấn ra không gian chung để không phiền người khác. Mới đây, công trình xây dựng bên cạnh làm bụi và tràn nước qua con hẻm, người dân lại gọi cho ông Tâm bày tỏ bức xúc. Anh nói: “Hễ có vụ việc gì xảy ra, người dân lại gọi cho ông tổ trưởng. Ổng hay lắm”.
Ông Nguyễn Ngọc Tâm (trái)lắng nghe người dân hẻm số 7 đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3 (TP.HCM) trình bày về công trình sát hẻm ảnh hưởng khu dân cư. Hẻm trước đây có nhiều hộ lấn chiếm buôn bán nay đã thông thoáng, trật tự. Ảnh: H.MINH
Đến thương nhau
Ông Tâm cho biết ông đã đề nghị UBND phường nhắc nhở các công trình xây dựng phải che chắn cẩn thận, không ảnh hưởng tới người dân. Nghe vậy, những người dân hẻm số 7 đường Ngô Thời Nhiệm cho biết họ đã an tâm và không còn bức xúc. Họ thông cảm với bên xây dựng công trình về tình trạng bụi và tiếng ồn trong thời gian này nhưng gửi gắm ông Tâm nói với bên thi công phải đảm bảo an toàn, không được để cần cẩu vươn qua khu dân cư, không để nước tràn qua.
Ngoài công việc đảm trách, mọi người vẫn hay nhờ ông làm giấy tờ hợp đồng cho thuê nhà, đăng ký tạm trú tạm vắng... Ông cho biết: “Giúp người ta cũng là giúp mình. Người dân hài lòng thì các ngành chức năng đỡ mất công giải quyết khiếu nại, khu phố được yên ổn”.
Những kiến thức pháp luật ông có được từ quá trình tự nghiên cứu, học hỏi và tham gia các lớp tập huấn. Khi có những ca khó, ông đến gặp nhân viên tư pháp phường hoặc luật sư để được hướng dẫn.
Trước đây, các tranh chấp về đất đai, kinh doanh ở khu vực này thường xảy ra. Sau một thời gian dài ông Tâm kiên trì hòa giải các vụ việc, khu phố 3 không còn những mâu thuẫn gay gắt. Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình vẫn bức xúc phản ánh với ông việc hàng xóm để chậu cây lấn ra hẻm, lấn qua nhà mình hoặc chó hàng xóm qua cắn trọng thương mèo nhà mình... Những lúc nhận tin báo, ông ưu tiên đến ngay chứ không chần chừ. Ông nói: “Giải quyết khi đám cháy còn nhỏ thì việc gì cũng đơn giản”. Người dân trong khu phố sống vui vẻ, chan hòa, quan tâm lẫn nhau. Năm vừa qua ông chỉ phải mời lên phường hòa giải 10 vụ việc. Trước đó, từ năm 2015 trở về trước, số vụ phải đưa ra phường hòa giải trên 20 vụ.
Khi nhân viên tư pháp phường hỏi ông tại sao không làm biên bản hầu hết các vụ hòa giải để được hưởng phụ cấp theo quy định mới (200.000 đồng/ca hòa giải thành), ông Tâm cười: “Ở khu phố có rục rịch gì tôi đã tháo ngòi, những ca lẻ tẻ coi như… không tính. Tôi chỉ mong sao khu phố bình yên để tôi được thất nghiệp”.
Hòa giải thành những tranh chấp kéo dài
Ông Tâm đang cùng với một người lớn tuổi bàn cách hòa giải một tranh chấp lối đi trong khu phố. Ảnh: H.MINH Mỗi khi người dân gửi đơn lên phường, phường chuyển lại cho tổ hòa giải. Phần lớn vụ việc đều được hòa giải thành. Ông Tâm làm việc rất tốt và có trách nhiệm. Có những ca hòa giải kéo dài tới mấy tháng, ví dụ như tranh chấp hợp đồng thuê nhà có giá trị lớn. Nếu không khéo hòa giải, chắc chắn phải đem ra tòa giải quyết nhưng ông Tâm đã hòa giải êm đẹp. Công việc hòa giải của ông Tâm đã giúp giảm áp lực khiếu nại cho phường rất nhiều. Chị TRẦN THỊ MINH THU, chuyên viên tư pháp phường 6, quận 3, TP.HCM _______________________________ Ông Nguyễn Ngọc Tâm làm hòa giải viên đã 16 năm. Trước đây mỗi tổ dân phố có một tổ hòa giải. Vừa qua, UBND phường quyết định thành lập tổ hòa giải khu phố nên rút gọn lại chỉ còn bốn tổ hòa giải. Ông Tâm được công nhận là hòa giải viên giỏi, làm tổ trưởng tổ hòa giải số 3. |