Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo Thông tư các giao dịch trên thị trường chứng khoán để thay thế cho Thông tư số 203/2015/TT-BTC.
Theo đó, có nhiều điểm mới lần đầu tiên được đưa vào dự thảo. Đó là việc ngắt mạch thị trường (circuit breaker) là cơ chế tạm dừng giao dịch tự động trong phiên giao dịch khi giá chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán biến động chạm các ngưỡng được xác định.
Theo các chuyên gia, đây là điểm rất mới vì bên cạnh có trần và sàn biên độ giao dịch bảo vệ nhà đầu tư trong từng phiên giao dịch thì việc có thêm "cầu dao đóng thị trường" giúp các nhà đầu tư ổn định tâm lý, tránh các đợt bán tháo gây thiệt hại cho tài sản của họ.
Việc giao dịch bán khống đã được đưa vào lần dự thảo này sau một thời gian dài các chuyên gia nêu ý kiến nên thực hiện theo sân chơi quốc tế để tạo thị trường chứng khoán hấp dẫn hơn.
Theo Thông tư, giao dịch bán khống có tài sản đảm bảo (giao dịch bán khống có bảo đảm) là giao dịch bán chứng khoán đã vay trên hệ thống vay và cho vay chứng khoán của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Người bán sau đó có nghĩa vụ mua lại số chứng khoán đó để hoàn trả khoản đã vay.
Một điểm đặc biệt là người mở tài khoản được mở rộng độ tuổi. Thông tư cho phép người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự mở tài khoản giao dịch (phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý).
Công ty chứng khoán Bảo Việt đánh giá giao dịch T+0 và được bán khống cổ phiếu sẽ là cú hích giúp thị trường chứng khoán phát triển mạnh nếu dự thảo được thông qua.
Giao dịch T+0 giúp thu hút lượng lớn nhà đầu tư tham gia, khiến vòng quay giao dịch tăng lên nhiều lần và thanh khoản sẽ tăng mạnh. Bên cạnh đó, giao dịch này được phép bán khống và giao dịch T+0 cũng sẽ giúp Việt Nam cải thiện các tiêu chí đánh giá theo FTSE và MSCI.
Từ đó, Việt Nam hoàn toàn có thể sẽ được đánh giá nâng hạng sang thị trường mới nổi và thu hút được khối lượng dòng vốn ngoại rất lớn trong thời gian tới.