Học sinh tăng, nhà trường xoay xở dạy học ra sao?

(PLO)- Học sinh tăng, trường lớp chưa xây dựng kịp. Để đảm bảo việc dạy và học, nhiều nơi lên kế hoạch tổ chức lớp học “chạy”, kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT TP.HCM, năm học 2023-2024, học sinh (HS) toàn TP tăng mạnh, trong đó HS vào lớp 6 lại tăng đột biến do đây là năm rồng vàng.

Trường học quá tải

Tại hội nghị tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chương trình, đề án đổi mới giáo dục vào sáng 4-8, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết hằng năm TP tăng thêm 10.000-15.000 HS mỗi độ tuổi. Tuy nhiên, năm nay HS lớp 6 tăng 42.000 so với năm ngoái, khiến các trường công lập quá tải trong việc tiếp nhận HS.

Theo kế hoạch thời gian năm học 2023-2024 UBND TP.HCM vừa mới ban hành, HS các cấp sẽ tựu trường vào ngày 28-8, riêng HS lớp 1 tựu trường vào ngày 21-8. HS sẽ đồng loạt khai giảng vào ngày 5-9.

Về vấn đề này, ông DH, Hiệu trưởng một trường THCS ở nội thành, cho biết trong khi HS lớp 9 tốt nghiệp chỉ có 490 em nhưng số lượng HS vào lớp 6 lên đến 800 em.

“Quận có nhiều trường tiểu học nhưng lại rất ít trường THCS nên áp lực đối với các trường rất lớn” - ông H nói.

Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận 6, cho biết năm học này số HS vào lớp 6 là 5.000 em, tăng hơn 1.000 em so với năm ngoái.

Trưởng phòng GD&ĐT tại một địa phương cũng cho biết năm rồng vàng vào lớp 6 nên áp lực rất lớn đối với các quận, huyện.

“Áp lực không phải do công tác dự báo của các địa phương chưa chính xác mà do lượng HS nhập cư từ các tỉnh, thành khác vào sinh sống và làm việc tại một số quận, huyện. Hơn nữa, công tác đầu tư xây dựng các công trình trường học đang bị chậm lại rất nhiều. Trong nhiều năm nay, nhiều trường tiểu học, THCS trên địa bàn TP chưa được đầu tư xây dựng nên không đủ trường lớp” - vị này nói thêm.

Tìm mọi cách đảm bảo việc dạy học

Để có đủ chỗ học, ông H cho biết nhà trường phải lấy phòng thực hành các môn lý, hóa, sinh để tổ chức lớp học. Bên cạnh đó, cải tạo phòng hội trường, phòng ăn để thành hai phòng học. Nếu còn thiếu phòng sẽ lấy thêm sảnh ăn bán trú để chia thành hai lớp nữa. Với giải pháp trên có thể sẽ tạm ổn về phòng học, tuy nhiên đảm bảo giáo dục toàn diện theo chương trình giáo dục phổ thông mới rất khó.

Tương tự, vị trưởng phòng kia cũng cho biết sẽ thực hiện nhiều giải pháp để đáp ứng việc dạy và học. Thứ nhất, hướng dẫn các trường phân công thời khóa biểu theo hình thức “chạy” phòng. HS sẽ không học tại một phòng cố định. Các trường xoay xở làm sao để tăng năng suất sử dụng phòng học nhiều nhất có thể.

Bên cạnh đó, có thể sử dụng hệ thống quản lý học tập của Sở GD&ĐT LMS để phân bổ số tiết học và khuyến khích HS tự nghiên cứu. Bởi thời gian tự học của các em cũng được tính trong thời gian học hai buổi/ngày của bậc THCS. Nếu thực hiện tốt điều này sẽ phần nào giảm được áp lực về mặt trường lớp.

Phụ huynh đến làm hồ sơ nhập học lớp 6 cho con tại Trường THCS Trường Thọ, TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: AQ
Phụ huynh đến làm hồ sơ nhập học lớp 6 cho con tại Trường THCS Trường Thọ, TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: AQ

“Tinh thần Nghị quyết 98 sẽ mở ra cho TP.HCM, TP Thủ Đức những cơ chế mới trong đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế. Hy vọng trong thời gian tới vấn đề xây dựng trường lớp sẽ khởi sắc hơn” - vị này nhấn mạnh.

Còn trưởng Phòng GD&ĐT quận 6 cho hay dù HS tăng nhưng do phòng đã nắm được tình hình, dự báo và có sự chuẩn bị về phòng học nên không quá áp lực.

“Trên địa bàn quận có 10 trường THCS do đó các phòng học đủ đáp ứng số lượng HS tăng thêm. Áp lực chỉ đến khi nhiều phụ huynh có nhu cầu xin cho con vào một số trường. Tuy nhiên trong quá trình phân tuyến, phòng có xem xét và dựa trên tinh thần tiếp nhận. Hiện tại một số trường đã đủ chỗ, có trường vẫn còn khả năng nhận thêm” - ông Uyên nói thêm.

Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, để chuẩn bị cho năm học mới, TP.HCM dự kiến sẽ đưa vào sử dụng 48 dự án với 672 phòng học mới (trong đó, số phòng học tăng thêm là 371) với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng.

Trong đó, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng ngày 5-9 là 27 dự án với 441 phòng học mới. Cụ thể, số phòng học tăng thêm là 282 với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng. Mầm non là 68 phòng học, tiểu học 197 phòng học, THCS 88 phòng học.

Dự kiến đưa vào sử dụng từ sau ngày 5-9 đến hết tháng 12 là 21 dự án với 231 phòng học mới. Cụ thể, số phòng học tăng thêm là 89 với tổng mức đầu tư 437 triệu đồng. Số phòng học mới lần lượt ở các cấp học gồm mầm non 30 phòng học, tiểu học 148 phòng học, THCS 53 phòng học.

Một số địa phương số học sinh vào lớp 6 lại giảm so với trước đó

Trong khi nhiều quận, huyện áp lực vì HS tăng mạnh thì tại một số địa phương số HS lớp 6 nộp hồ sơ giảm so với số liệu trước đó.

Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp, cho biết đến thời điểm này công tác tuyển sinh đầu cấp đã xong và đang thực hiện bước chuyển trường. Đối với lớp 6, dự kiến ban đầu cũng khá căng thẳng, tuy nhiên hiện nay đã hạ nhiệt, bởi nhiều em không nhập học có thể đã chọn dân lập hoặc về quê.

Theo số liệu ngày 31-7, tỉ lệ HS vào lớp 1 đạt 89,2%; tỉ lệ HS vào lớp 6 là 93,1%. “Như vậy trên địa bàn, đối với lớp 1 và lớp 6 còn trống 600-700 HS. Điều này tạo thuận lợi cho các trường trong việc giãn sĩ số và không bị động về việc tổ chức học hai buổi/ngày” - ông Thanh nói.

Tương tự, ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân, cũng cho hay số HS nhập học lớp 6 tương đương năm ngoái, cụ thể là 11.700 HS. Trước đó, quận dự kiến là 12.300 HS. Như vậy, còn 600 HS không xác định nhập học trên hệ thống, có thể các em đã về quê học.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm