Hội Cựu chiến binh VN phản ứng vụ 6 hội viên bị phạt tù
Trong đơn kiến nghị dài năm trang, Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam chỉ ra rất nhiều căn cứ để cho thấy không có cơ sở để TAND tỉnh Đắk Nông kết tội sáu CCB. Hội CCB Việt Nam cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng thị xã Gia Nghĩa không thể điều tra lại được những nội dung mà tòa án cấp phúc thẩm chỉ ra trong bản án phúc thẩm diễn ra vào tháng 6-2016. Hành vi của sáu bị cáo là CCB bị các cơ quan tiến hành tố tụng thị xã Gia Nghĩa truy tố, xét xử chưa đủ yếu tố cấu thành tội hủy hoại rừng theo khoản 1 Điều 189 BLHS.
Bản án sơ thẩm lần hai vẫn căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu được thu thập trước ngày xét xử sơ thẩm lần một để kết tội, phạt tù các CCB là oan sai. Xét xử phúc thẩm lần hai, TAND tỉnh Đắk Nông đã không xem xét đầy đủ, khách quan kết quả điều tra lại nên đã không giải oan cho các CCB mà lại y án sơ thẩm.
Vì lẽ trên, Trung ương Hội CCB Việt Nam kiến nghị với Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM sớm xem xét ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm để hủy bản án sơ thẩm (tháng 9-2017) của TAND thị xã Gia Nghĩa và bản án phúc thẩm (tháng 12-2017) của TAND tỉnh Đắk Nông, khôi phục các quyền lợi hợp pháp cho các CCB bị kết tội trong vụ án.
6 CCB dù đã chấp hành xong án phạt tù nhưng vẫn tiếp tục kêu oan. Ảnh: NGÂN NGA
Như Pháp Luật TP.HCM từng có rất nhiều bài viết của các chuyên gia khẳng định rằng hành vi của sáu CCB chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự.
Trong đó PGS Trần Văn Độ (nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao) từng phân tích:
Sáu CCB này cho rằng một phần diện tích rừng của Chi hội giao cho một hộ dân quản lý đang bị người dân lấn chiếm và rừng không còn. Mặt khác, tháng 3-2015, Hạt Kiểm lâm thị xã Gia Nghĩa đã xác định diện tích rừng (nơi các bị cáo dọn dẹp) đã bị thiệt hại 100%. Chi hội sẽ tổ chức phát dọn bụi cây để lấy đất trồng cây keo, sản xuất gây quỹ hoạt động.
Nếu thực tế không còn rừng thì khó có thể buộc các bị cáo chặt 0,38 ha rừng trong hai ngày của tháng 4-2015 được. Giả sử chứng minh được các bị cáo có hành vi hủy hoại 0,4 ha (4.000 m2) rừng sản xuất trong tháng 1-2015 đi chăng nữa thì cũng chưa đủ định lượng để xử lý hình sự. Bởi căn cứ theo Nghị định 157/2013 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 19/2007 của Bộ NN&PTNT - Bộ Tư pháp - Bộ Công an - VKSND Tối cao - TAND Tối cao thì chỉ khi nào sáu CCB hủy hoại từ 5.000 m2 trở lên mới có thể xử lý hình sự. Do đó hành vi của 6 CCB chỉ có thể xử phạt hành chính.
PGS Trần Văn Độ nhấn mạnh: “Theo tôi, cần phải kháng nghị giám đốc thẩm để xem xét lại vụ án này, đảm bảo công bằng cho các CCB”.
Tòa tỉnh từng hủy án vì không có căn cứ buộc tội
Tại cuộc họp tháng 1-2015, cho rằng rừng sản xuất đã bị lấn chiếm nên Chi hội CCB thôn 6 (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) thống nhất phát dọn để lấy đất trồng cây keo gây quỹ. Các bị cáo thuộc chi hội đã chặt cây bụi, dây leo với diện tích 0,4 ha. Trong hai ngày tháng 4-2015 họ dọn dẹp tiếp 0,38 ha.
Sau đó bảy CCB bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 42 triệu đồng. Tháng 4-2016, TAND thị xã Gia Nghĩa xử sơ thẩm lần đầu đã phạt họ từ sáu đến bảy tháng tù. Xử phúc thẩm sau đó, TAND tỉnh Đắk Nông đã hủy án theo đề nghị của đại diện VKSND tỉnh. Lý do, VKS cho rằng Hạt Kiểm lâm thị xã Gia Nghĩa xác định cả khu rừng 0,98 ha (nơi các bị cáo phát dọn 0,78 ha) đã thiệt hại 100% từ trước tháng 3-2015. Vì vậy, việc cấp sơ thẩm tính cả 0,38 ha mà các bị cáo dọn dẹp hồi tháng 4-2015 vào diện tích rừng bị hủy hoại là không phù hợp...
Gia đình 6 CCB khẳng định thời điểm chặt cây bụi đã không còn rừng. Ảnh: NGÂN NGA
Tháng 9-2017, xử sơ thẩm lần hai, TAND thị xã Gia Nghĩa vẫn buộc các bị cáo hủy hoại tổng cộng 0,78 ha rừng và phạt họ mức án như cũ. Trước phiên xử này một bị cáo đã qua đời, sáu bị cáo còn lại thì bị tòa sơ thẩm ra lệnh bắt tạm giam. Cuối 2017, lần này TAND tỉnh xử phúc thẩm lần hai đã giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Hiện sáu CCB đã chấp hành xong hình phạt tù và vẫn tiếp tục gửi đơn kêu oan tới VKSND Cấp cao tại TP.HCM, VKSND Tối cao, TAND Cấp cao tại TP.HCM, TAND Tối cao.