Đợt biểu tình thứ hai phản đối dự luật dẫn độ ở Hong Kong bắt đầu từ sáng sớm 12-6. Đến cuối giờ chiều, cảnh sát trưởng Hong Kong Stephen Lo Wai-chung đã phải tuyên bố “tình trạng bạo động”. Đây là diễn biến nghiêm trọng khi tuyên bố “tình trạng bạo động” không được đưa ra trong đợt biểu tình “Phong trào ô dù” kéo dài 79 ngày năm 2014 với 89 người biểu tình bị bắt, 69 người biểu tình và 12 cảnh sát bị thương.
Với tuyên bố này, những người bị bắt trong đợt biểu tình này có thể sẽ phải chịu hậu quả nghiêm trọng khi tội bạo động bị xử đến 10 năm tù. Cảnh sát Hong Kong cũng đang điều tra người đe dọa giết bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Trưởng Đặc khu Hong Kong và người đứng đầu cơ quan tư pháp TP cũng như người thân của họ.
Thành quả lớn nhất của đợt biểu tình thứ hai là đã khiến Hội đồng lập pháp Hong Kong không thể tiến hành được phiên tranh luận thứ hai về dự luật (dự kiến diễn ra trưa 12-6) trước khi chính thức đưa vào bỏ phiếu hôm nay, 13-6. Lý do là người biểu tình đã phong tỏa tất cả tuyến đường dẫn đến trụ sở Hội đồng lập pháp.
Cảnh sát Hong Kong đã phải tuyên bố “tình trạng bạo động” trong đợt biểu tình ngày 12-6. Ảnh: SCMP
“Dự luật còn, biểu tình còn”
Chưa rõ kết quả sẽ thế nào một khi dự luật được đưa vào bỏ phiếu hôm nay nếu theo đúng dự kiến. Dự luật dẫn độ có các điều khoản sửa đổi của Sắc lệnh Tội phạm bỏ trốn cho phép dẫn độ nghi phạm, tội phạm sang các nước và vùng lãnh thổ mà Hong Kong không ký thỏa thuận dẫn độ như Trung Quốc (TQ) đại lục, Đài Loan, Macau.
Với hàng triệu người dân Hong Kong, dự luật dẫn độ nếu được thông qua sẽ giúp TQ đại lục dễ dàng hơn trong bắt giữ người tại Hong Kong với nhiều lý do, kể cả các lý do chính trị. Luật này cũng bị cho là sẽ làm suy yếu sự độc lập về luật pháp của Hong Kong.
Có mặt trong đoàn biểu tình ngày 12-6, nhà lập pháp Eddie Chu Hoi-dick chỉ trích bà Lâm không lắng nghe người dân, đồng thời đề nghị bà rút bỏ dự luật dẫn độ ngay lập tức. Ông Wu Chi-wai, thành viên đảng Dân chủ, họp báo cảnh báo biểu tình có thể leo thang hơn nữa nếu chính quyền và bà Lâm không rút lại dự luật.
Phần mình, bất kể bị dọa giết, bà Lâm vẫn cứng rắn rằng dự luật sẽ được thông qua sớm, đồng thời khẳng định điều luật này cần thiết để bịt lỗ hổng pháp lý và để Hong Kong không trở thành thiên đường của tội phạm.
Ngày 10-6, bà Lâm cũng đã tuyên bố không có kế hoạch rút dự luật dẫn độ mà theo bà sẽ “giúp giữ vững công lý và đảm bảo Hong Kong tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế liên quan các tội phạm xuyên biên giới và xuyên quốc gia”.
“Đây là một sự bạo động. Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác phải dùng vũ khí để ngăn những người biểu tình xâm nhập đường ranh phòng thủ của chúng tôi. Chúng tôi lên án cách hành xử vô trách nhiệm này. Không cần phải làm tổn thương người vô tội để bày tỏ quan điểm của mình. Chúng tôi đề nghị mọi người đừng làm bất cứ việc gì mà họ phải hối hận cả phần đời còn lại” - SCMP dẫn lời cảnh sát trưởng Hong Kong Stephen Lo Wai-Chung. |
Đài Loan, Mỹ lên tiếng
Sức nóng của dự luật dẫn độ không chỉ ở Hong Kong mà còn lan sang cả Đài Loan. Khoảng 9 giờ tối 11-6, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn lên tiếng rằng bộ phận tư pháp của vùng lãnh thổ này sẽ không nhận chuyển giao Chan Tong-kai từ Hong Kong, báo SCMP đưa tin.
Trên trang Facebook của mình, bà Thái Anh Văn khẳng định Đài Loan “tuyệt đối không chấp nhận bất kỳ hành động nào nhằm loại trừ quyền tự chủ lãnh thổ; và từ chối mọi trường hợp chuyển giao căn cứ vào các điều khoản sửa đổi luật dẫn độ”.
Sở dĩ bà Thái Anh Văn có phát ngôn này là vì cơ sở để Hong Kong xúc tiến bàn thảo dự luật dẫn độ bắt nguồn từ vụ một thanh niên Hong Kong tên Chan Tong-kai bị cáo buộc giết bạn gái ở Đài Bắc (Đài Loan) rồi chạy về Hong Kong để tránh bị Đài Loan bắt và truy tố. Các điều khoản trong Sắc lệnh Tội phạm bỏ trốn hiện tại của Hong Kong không cho phép chính quyền dẫn độ Chan Tong-kai sang Đài Loan. Và chính quyền Hong Kong quyết định sửa đổi. Chưa rõ quan hệ giữa Hong Kong và Đài Loan sẽ thế nào liên quan dự luật này khi theo bà Thái Anh Văn, dự luật sẽ hủy hoại vị thế của Đài Loan trước chính quyền Bắc Kinh.
Tại Mỹ, ngày 11-6, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ra tuyên bố lên án mạnh dự luật dẫn độ của Hong Kong và ủng hộ người biểu tình. Bà Pelosi lo ngại dự luật dẫn độ một khi được thông qua sẽ gây nguy hiểm cho 85.000 người Mỹ đang sống ở Hong Kong.
Theo bà Pelosi, dự luật làm tổn hại quan hệ vững mạnh giữa Mỹ và Hong Kong vốn tốt đẹp trong hai thập niên qua. Nếu dự luật được thông qua, Quốc hội Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đánh giá lại liệu Hong Kong có còn đủ quyền tự trị thể theo khung “một đất nước, hai hệ thống” hay không.
Ngày trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lên tiếng rằng dự luật dẫn độ có thể làm hại môi trường kinh doanh của Hong Kong và làm tổn hại vị thế đặc biệt lâu nay của Hong Kong trong các vấn đề quốc tế.
Trước nay Mỹ vẫn đối xử với Hong Kong như một thực thể kinh tế riêng biệt với TQ đại lục. Tuy nhiên, nhiều chính trị gia Mỹ đang vận động xem xét lại điều này. SCMP cũng cho rằng dự luật dẫn độ của Hong Kong sẽ là tâm điểm khi Mỹ có đánh giá tiếp theo về mức độ tự trị của Hong Kong, có thể sẽ ảnh hưởng đến quan hệ thương mại và kinh tế đặc biệt mà Mỹ đang áp dụng với Hong Kong.
TQ bác tin đồn triển khai quân đội dẹp biểu tình Hiện có tin đồn rằng TQ sẽ triển khai quân đội đối phó biểu tình ở Hong Kong, theo SCMP. Tuy nhiên, ngày 12-6, Bộ Ngoại giao TQ khẳng định đây là “thông tin sai và giả”. Người phát ngôn Cảnh Sảng nói rõ tin đồn này có động cơ “bỉ ổi” nhằm lừa bịp mọi người và gây hỗn loạn. Ông Cảnh Sảng nói thêm rằng chính phủ trung ương ủng hộ các hành động của chính quyền Hong Kong trong sửa đổi luật dẫn độ. Về phát ngôn của bà Pelosi, ông Cảnh Sảng nói TQ phản đối mạnh các phát ngôn vô trách nhiệm và sai trái của một số cá nhân ở Mỹ. Ông Cảnh Sảng khẳng định không đất nước hay tổ chức hay cá nhân nào có quyền can thiệp vào chuyện nội bộ của TQ. |