Lượng người Hong Kong muốn chuyển sang Đài Loan sống tăng đột biến kể từ khi biểu tình bắt đầu ở TP này hơn hai tháng trước. Và hiện Đài Loan đang đẩy nhanh tiến trình xử lý đơn xin cư trú từ lượng người Hong Kong này, SCMP đưa tin.
Lượng người Hong Kong sang Đài Loan tăng mạnh sau biểu tình
Theo Cơ quan Nhập cư Đài Loan, số người Hong Kong xin chuyển đến hòn đảo này đã tăng gần gấp đôi trong 10 năm qua, từ 3.677 người năm 2009 lên 6.556 người năm 2018.
Thời điểm năm 2009, chỉ chưa tới 100 người được cho phép cư trú ở Đài Loan. Tuy nhiên, trong năm ngoái số người Hong Kong được cho phép cư trú ở Đài Loan tăng lên 1.267 người.
Tính đến ngày 11-8 năm nay, đã có 2.027 người Hong Kong nộp đơn xin sống Đài Loan (tăng 14,3% so với cùng thời điểm này năm ngoái) và có 1.925 người được duyệt (tăng 14% so với năm ngoái), trong số đó có 842 người có quyền cư trú.
Lượng người Hong Kong đang nhắm chuyển sang Đài Bắc hay các nơi khác của Đài Loan tăng đột biến. Ảnh: BLOOMBERG
Thống kê của Cơ quan Nhập cư Đài Loan cũng cho thấy so với năm 2018, số đơn xin chuyển đến sống tại Đài Loan tăng đột biến từ tháng 6, khi cuộc biểu tình phản đối dự luật cho phép dẫn độ nghi phạm từ Hong Kong sang Trung Quốc đại lục bắt đầu.
Trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 7, Cơ quan Nhập cư Đài Loan nhận tới 681 đơn xin sống tại Đài Loan (tăng 45,5% so với năm trước) và 636 đơn được duyệt (tăng 57,4% so với năm trước).
Một quan chức Cơ quan Nhập cư Đài Loan cho biết hiện nhân viên cơ quan đang bị quá tải khối lượng công việc.
“Vì sự tăng nhanh số lượng đơn, chúng tôi phải đẩy nhanh tiến trình xét duyệt", SCMP dẫn lời quan chức này cho biết.
Thủ tục không khó
Theo luật Đài Loan, người Hong Kong cần phải có visa mới được sang Đài Loan và có thể nộp đơn trên mạng để được cho phép ở lại trong tối đa một tháng, và sau đó có thể xin gia hạn thêm một tháng nữa.
Người Hong Kong cũng có thể nộp đơn thông qua văn phòng đại diện của Đài Loan ở Hong Kong xin ở lại ba tháng, và sau đó có thể xin gia hạn một lần nữa.
“Thật ra không khó để xin đến và ở lại Đài Loan miễn là người xin có đầy đủ giấy tờ. Người dân hay sinh viên Hong Kong muốn ẩn náu ở Đài Loan liên quan đến phong trào biểu tình phản đối dự luật dẫn độ đều được hoan nghênh nộp đơn xin ở lại ngắn hạn”, theo ông Bill Chung, Phó Tổng Giám đốc Cơ quan Nhập cư Đài Loan.
Cũng theo ông Chung, nếu họ cần ở lại hơn sáu tháng thì các quy định hiện tại đưa ra tới 16 cách khác nhau để xin phép.
Luật Đài Loan cũng quy định những ai ở Hong Kong và Macau mà có người thân trực hệ sống ở Đài Loan, có những kỹ năng đặc biệt hay năng lực chuyên môn tốt, hay những ai đạt được những thành tựu đặc biệt trong một số lĩnh vực nào đó đều có thể nộp đơn xin cư trú tại Đài Loan.
Ngoài ra, người Hong Kong hay Macau có thể xin cư trú ở Đài Loan nếu đầu tư 6 triệu đô Đài Loan (191.300 USD) hay mở cơ sở kinh doanh ở hòn đảo này.
Người Hong Kong và Đài Loan cũng có thể xin sang học ở Đài Loan và sau đó xin cư trú nếu làm việc ở hòn đảo này năm năm và đáp ứng được một số tiêu chuẩn, như mức tiền lương.
Nên cân nhắc kỹ, đặc biệt thu nhập
Hong Kong – một nền dân chủ tự trị - từng là một trong những nơi sống mơ ước bậc nhất. Hiện ngày càng nhiều người dân TP này đang cân nhắc rời đi vì quan ngại với tương lai của nó.
Ông Richard Wong, một giáo viên về hưu vừa sang Đài Loan bằng visa ngắn hạn để tìm hiểu khả năng chuyển sang sống luôn tại đây. Ông cho biết ông có nói với nhiều người Hong Kong khác làm như mình.
Đặc khu trưởng Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga kêu gọi chính quyền hỗ trợ nhanh chóng cho những người muốn rời đi.
Đặc khu trưởng Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga kêu gọi trả lời nhanh đơn của người Hong Kong muốn sang Đài Loan sống. Ảnh: EPA
Cô Tracy Ho 26 tuổi sang Đài Loan sau khi cưới một nhà kinh doanh ở đây hai năm trước khuyên những ai muốn sang Đài Loan nên đánh giá thật kỹ mọi tình huống trước khi quyết định nộp đơn.
“Mọi thứ đều có hai mặt. Nếu các bạn muốn một nơi có sự thanh thản nhiều hơn và có lối sống dân chủ thì Đài Loan là một lựa chọn tốt. Nhưng nếu bạn muốn có một mức lương tốt hơn thì sống ở Đài Loan có thể là một vấn đề vì thu nhập ở đây thấp hơn nhiều so với ở Hong Kong”, theo cô Ho.
“Về tổng thể, tôi không nhìn thấy tương lai về chuyện tự trị ở Hong Kong. Trung Quốc sẽ thắt chặt kiểm soát ở nơi tôi đã sinh ra” - cô Ho nhận định.
Không nên xin tị nạn chính trị
Tại Đài Loan, ông Chiu Chui-cheng, người phát ngôn Hội đồng Các vấn đề đại lục của hòn đảo này nói rằng các cơ quan ở Đài Loan đều sẵn lòng giúp đỡ mọi người nộp đơn chuyển sang.
“Theo tinh thần nhân đạo và tôn trọng quyền con người của chúng tôi, chính quyền sẽ hỗ trợ các cá nhân cụ thể theo từng trường hợp” - ông Chiu nói.
Người Hong Kong tìm sang Đài Loan vì quan ngại với tương lai TP này. Ảnh: SCMP
Ông Chiu cho biết tính đến hiện tại, chưa có người Hong Kong nào xin tị nạn chính trị ở Đài Loan. Nhiều chuyên gia nhập cư khuyên người Hong Kong tốt hơn nên nộp đơn thông qua các kênh hiện hành hơn là xin tị nạn chính trị.
Nhiều quan chức nhập cư Đài Loan cũng cảnh báo nếu xin tị nạn chính trị thì người làm đơn sẽ gặp nhiều rắc rối hơn là theo các kênh thông thường, vì Đài Loan không có luật tị nạn cụ thể.
“Các ví dụ trước đây - chẳng hạn một số người chống đối ở đại lục xin tị nạn chính trị - đã cho thấy nó sẽ gặp nhiều rắc rối hơn” - một quan chức nhập cư cho biết.
Theo quan chức này, nếu những người này có bằng chứng vững chắc rằng mình có thể bị ngược đãi về chính trị tại quê nhà thì Đài Loan có thể giúp họ xin tị nạn chính trị ở hòn đảo này.
“Nhưng khi họ rời Đài Loan, mọi di chuyển, hoạt động của họ sẽ bị bó hẹp, hạn chế cho đến khi họ được cấp quyền tị nạn ở một nước nào đó”, quan chức này nói thêm.
Chủ cửa hàng bán sách Lam Wing-kee từng mất tích bí ẩn tại Hong Kong năm 2015 và sau đó được phát hiện bị giam ở Trung Quốc đại lục vì bán sách chỉ trích chính quyền. Ông Lam chuyển từ Hong Kong đến sống ở Đài Loan đầu năm nay vì lo sợ có thể nằm trong danh sách dẫn độ sang Trung Quốc đại lục một khi dự luật dẫn độ được chính quyền Hong Kong thông qua.
Chủ cửa hàng bán sách Lam Wing-kee chuyển từ Hong Kong đến sống ở Đài Loan đầu năm nay. Ảnh: SCMP
Tuy nhiên, bản thân ông Lam cũng nói ông không khuyên người dân Hong Kong xin tị nạn chính trị ở Đài Loan trừ phi có rủi ro trước mắt sẽ bị kết tội hay bị bỏ tù.
“Sau khi sống ở đây một thời gian, theo quan sát của tôi thì đi theo cách sang Đài Loan học hành là cách dễ nhất đối với người trẻ Hong Kong” - theo ông Lam.